Bản tin tháng 6

Bản tin Tháng 6, 2019

Bản tin tháng 6

Chính sách thuế đối với khoản tiền lương của chủ Công ty TNHH một thành viên (do một cá nhân làm chủ)

Ngày 22 tháng 04 năm 2019, Tổng Cục Thuế ban hành công văn số 1590/TCT-DNNCN về chính sách thuế đối với khoản tiền lương của chủ Công ty TNHH một thành viên (do một cá nhân làm chủ) đồng thời trực tiếp tham gia điều hành sản xuất kinh doanh của công ty, Tổng cục thuế có ý kiến như sau:

1. Về thuế thu nhập cá nhân đối với tiền lương chủ Công ty TNHH một thành viên do một cá nhân làm chủ:

Căn cứ vào điều 90 Bộ luật lao động số 10/2012/QH13 ngày 18/06/2012 quy định về tiền lương, tại điểm a, d khoản 2, điều 2, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì khoản tiền của Giám đốc Công ty TNHH một thành viên (do một cá nhân làm chủ) nhận được không phải là thu nhập từ tiền lương, tiền công và không chịu thuế thu nhập cá nhân.

2. Về thuế thu nhập doanh nghiệp:

Tại điều 4, Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014, các chi phí tiền lương, tiền bảo hiểm tiền thuê nhà và các dịch vụ khác kèm theo đã chi cho Giám đốc Công ty TNHH một thành viên (do một cá nhân làm chủ), (không phân biệt có hay không tham gia trực tiếp điều hành sản xuất kinh doanh) đều thuộc khoản chi phí không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

 

Chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động sau ngày Nghị định 148/2018/NĐ-CP có hiệu lực

Ngày 27 tháng 02 năm 2019, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cục quan hệ lao động và tiền lương ban hành công văn số 113/QHLĐTL-CSLĐ về chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động khi hợp đồng lao động chấm dứt sau ngày Nghị định số 148/2018/NĐ-CP, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau: trường hợp hợp đồng lao động được giao kết và có hiệu lực trước ngày 01/5/2013 thì nội dung của hợp đồng lao động bao gồm cả nội dung thỏa thuận về thử việc, vì vậy khi hợp đồng lao động chấm dứt sau ngày Nghị định số 148/2018/NĐ-CP nêu trên có hiệu lực (ngày 15/12/2018) thì thời gian làm việc thực tế của người lao động cho người sử dụng lao động làm căn cứ để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm bao gồm cả thời gian thử việc trong hợp đồng lao động.

 

Xác định thời gian làm việc thực tế của người lao động khi tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc

Ngày 03 tháng 06 năm 2019, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cục việc làm ban hành công văn số 482/CVL-BHTN về chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động khi hợp đồng lao động chấm dứt sau ngày Nghị định số 148/2018/NĐ-CP, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:

Theo quy định tại các khoản 1 và 2 điều 48 Bộ luật lao động thì khi hợp động lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 điều 36 của Bộ luật này, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp nửa tháng tiền lương; thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

Như vậy, trường hợp đến năm 2019 người lao động chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định thì Công ty có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định trên. Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động, thời gian người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được xác định theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 148/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2018 của chính phủ.

 

Những công việc Nhân sự, Kế toán cần thực hiện trong tháng 7/2019

1. Thông báo tình hình biến động lao động tháng 06/2019

- Thời hạn: Trước ngày 03/7/2019

- Căn cứ pháp lý: Khoản 2 Điều 16 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015

Trong trường hợp doanh nghiệp có biến động (tăng/giảm) về số lượng NLĐ làm việc thì trước ngày 03 của tháng liền kề, doanh nghiệp phải gửi Thông báo về Trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở.

2. Báo cáo tình hình sử dụng chứng từ khấu trừ thuế quý II/2019

- Thời hạn: Trước ngày 30/7/2019

- Căn cứ pháp lý: Điều 5 Thông tư 37/2010/TT-BTC quy định:

Đối với chứng từ khấu trừ tự in trên máy vi tính, doanh nghiệp đang hoạt động thì thực hiện báo cáo tình hình sử dụng chứng từ khấu trừ thuế với cơ quan thuế nơi đăng ký sử dụng chứng từ khấu theo quý chậm nhất là ngày 30 của tháng đầu quý sau.

3. Nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tạm tính theo quý II/2019

- Thời hạn: Trước ngày 30/7/2019

- Căn cứ pháp lý: Điều 17 Thông tư 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014

Hàng quý, doanh nghiệp thực hiện tạm nộp thuế TNDN của quý đó, chậm nhất là vào ngày thứ 30 (ba mươi) của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế; doanh nghiệp chỉ cần nộp số thuế tạm tính chứ không phải nộp tờ khai thuế.

4. Trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN tháng 07/2019

- Thời hạn: Trước ngày 31/7/2019

- Căn cứ pháp lý: Điều 7 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017

Chậm nhất ngày cuối cùng của tháng, doanh nghiệp sẽ trích tiền đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN trên quỹ tiền lương tháng của NLĐ tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN.

Đồng thời trích từ tiền lương tháng đóng các loại bảo hiểm trên của từng NLĐ theo mức quy định để nộp cho cơ quan BHXH cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở, chi nhánh của DN sẽ đóng tại cơ quan BHXH nơi chi nhánh hoạt động.

5. Trích nộp Kinh phí Công đoàn tháng 07/2019

- Thời hạn: Trước ngày 31/7/2019

Đây là nghĩa vụ của doanh nghiệp, không phân biệt là DN đã có hay chưa có tổ chức Công đoàn.

Mức đóng kinh phí Công đoàn là 2% của quỹ tiền lương làm căn cứ đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động.

6. Nộp tờ khai thuế TNCN

* Trường hợp nộp tờ khai thuế theo tháng

- Thời hạn: Chậm nhất là ngày 20/7/2019

- Căn cứ pháp lý: Điểm a Khoản 3 Điều 10 Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013.

Trong tháng, nếu doanh nghiệp có khấu trừ thuế thu nhập cá nhân thì phải thực hiện nộp hồ sơ khai thuế TNCN tại cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp, chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng liền sau.

Lưu ý: Quy định trên áp dụng đối với doanh nghiệp áp dụng hình thức khai thuế theo tháng; nếu trong tháng không phát sinh khấu trừ thuế TNCN thì doanh nghiệp không phải kê khai tháng đó.

* Trường hợp nộp tờ khai thuế theo quý

- Thời hạn: Chậm nhất là ngày 30/7/2019

- Căn cứ pháp lý: Điểm b Khoản 3 Điều 10 Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013.

7. Nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn

*Báo cáo tính hình sử dụng hóa đơn theo tháng

- Thời hạn: Chậm nhất là ngày 20/7/2019

- Căn cứ pháp lý: Điều 27 của Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014.

Hàng tháng, doanh nghiệp sẽ thực hiện việc báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn với cơ quan thuế quản lý trực tiếp (kể cả khi trong kỳ không sử dụng hóa đơn) chậm nhất là ngày 20 của tháng tiếp theo.

Doanh nghiệp thuộc diện nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo tháng là:

- Doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn tự in, đặt in có hành vi vi phạm về hóa đơn bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế, gian lận thuế.

- Doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế thuộc diện mua hóa đơn của cơ quan thuế.

Lưu ý: Việc báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo tháng được thực hiện trong thời gian 12 tháng kể từ ngày thành lập hoặc kể từ ngày chuyển sang diện mua hóa đơn của cơ quan thuế.

*Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo quý

- Thời hạn: Chậm nhất là ngày 30/7/2019

- Căn cứ pháp lý: Điều 27 của Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014.

Hàng quý, tổ chức, hộ, cá nhân bán hàng hóa, dịch vụ (trừ đối tượng được cơ quan thuế cấp hóa đơn) có trách nhiệm nộp Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp, kể cả trường hợp trong kỳ không sử dụng hóa đơn.

8. Nộp tờ khai thuế GTGT

*Trường hợp nộp tờ khai thuế theo tháng

- Thời hạn: Chậm nhất là ngày 20/7/2019

- Căn cứ pháp lý: Điều 15 Thông tư 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 và Điểm a Khoản 3 Điều 10

Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013.

Hàng tháng, doanh nghiệp có tổng doanh thu bán hàng hoá và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề trên 50 tỷ đồng thì phải nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng của tháng đó, chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng liền sau.

*Trường hợp nộp tờ khai thuế theo quý

- Thời hạn: Chậm nhất là ngày 30/7/2019

- Căn cứ pháp lý: Điểm b Khoản 3 Điều 10 Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013.