Thế nào là Chuyển giao công nghệ?

Chuyển giao công nghệ là chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ hoặc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ.

Chuyển giao quyền sở hữu công nghệ là việc chủ sở hữu công nghệ chuyển giao toàn bộ quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt công nghệ cho tổ chức, cá nhân khác.

Chuyển giao quyền sử dụng công nghệ là việc một tổ chức, cá nhân cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng công nghệ của mình.

Trường hợp công nghệ là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp thì việc chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng công nghệ phải được thực hiện cùng với việc chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp.

Góp vốn bằng công nghệ cũng là một hình thức gián tiếp chuyển giao công nghệ.

Các hình thức Chuyển giao công nghệ?

Các hình thức chuyển giao công nghệ được quy định tại Điều 5 – Luật Chuyển giao Công nghệ 2017, cụ thể:

1. Chuyển giao công nghệ độc lập.

2. Phần chuyển giao công nghệ trong trường hợp sau đây:

  • a) Dự án đầu tư;
  • b) Góp vốn bằng công nghệ;
  • c) Nhượng quyền thương mại;
  • d) Chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ;
  • đ) Mua, bán máy móc, thiết bị quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 của Luật Chuyển giao Công nghệ 2017

3. Chuyển giao công nghệ bằng hình thức khác theo quy định của pháp luật.

4. Việc chuyển giao công nghệ quy định tại khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều này phải được lập thành hợp đồng; việc chuyển giao công nghệ tại các điểm a, c, d và đ khoản 2 và khoản 3 Điều này được thể hiện dưới hình thức hợp đồng hoặc điều, khoản, phụ lục của hợp đồng hoặc của hồ sơ dự án đầu tư có các nội dung quy định tại Điều 23 của Luật Chuyển giao Công nghệ.

(Điều 5 – Luật Chuyển giao Công nghệ 2017)

Các công nghệ được phép chuyển giao?

Công nghệ được chuyển giao là một hoặc các đối tượng sau đây:

  • Bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ
  • Phương án, quy trình công nghệ; giải pháp, thông số, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật; công thức, phần mềm máy tính, thông tin dữ liệu
  • Giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ
  • Máy móc, thiết bị đi kèm một trong các đối tượng quy định tại các điểm a, b và c khoản này.
  • Trường hợp đối tượng công nghệ quy định ở trên được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, Luật Chuyển giao Công nghệ 2017 cũng quy định cụ thể các trường hợp: Công nghệ được khuyến khích chuyển giao, Công nghệ bị hạn chế chuyển giao và Công nghệ bị cấm chuyển giao.

(Điều 4 – Luật Chuyển giao Công nghệ 2017)

Thủ tục để chuyển giao công nghệ? 

Các bên được quyền tự do thỏa thuận việc chuyển giao công nghệ, không cần thực hiện thủ tục hành chính, trừ trường hợp chuyển giao công nghệ thuộc danh mục hạn chế chuyển giao.

Đối với các công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao phải được sự chấp thuận của Bộ Khoa học & Công nghệ trước khi thực hiện chuyển giao theo quy trình sau:

  • Tổ chức, cá nhân chuyển giao công nghệ hạn chế chuyển giao gửi hồ sơ đến Bộ Khoa học và Công nghệ để đề nghị chấp thuận chuyển giao công nghệ.
  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm xem xét hồ sơ; trường hợp hồ sơ không đầy đủ thì có văn bản đề nghị tổ chức, cá nhân bổ sung hồ sơ theo quy định.
  • Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Bộ, ngành có liên quan ra văn bản chấp thuận chuyển giao công nghệ; trường hợp không chấp thuận thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
  • Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành mẫu văn bản đề nghị chấp thuận chuyển giao công nghệ, mẫu tài liệu giải trình về công nghệ.

(Điều 29 – Luật Chuyển giao Công nghệ 2017)

Hồ sơ đề nghị chấp thuận chuyển giao công nghệ?

  • Văn bản đề nghị chấp thuận chuyển giao công nghệ
  • Văn bản về tư cách pháp lý của bên đề nghị
  • Tài liệu giải trình về công nghệ
  • Tài liệu giải trình về điều kiện sử dụng công nghệ theo quy định của pháp luật
  • Tài liệu giải trình về việc phù hợp với quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

(Điều 29 – Luật Chuyển giao Công nghệ 2017)

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ?

  • Văn bản đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ, trong đó ghi rõ cam kết trách nhiệm của các bên bảo đảm nội dung hợp đồng tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan
  • Văn bản về tư cách pháp lý của các bên trong hợp đồng chuyển giao công nghệ
  • Bản gốc bằng tiếng Việt hoặc bản sao có chứng thực hợp đồng chuyển giao công nghệ; trường hợp không có hợp đồng bằng tiếng Việt thì phải có bản dịch sang tiếng Việt và được công chứng hoặc chứng thực
  • Danh mục tài liệu công nghệ, máy móc, thiết bị (nếu có) kèm theo hợp đồng chuyển giao công nghệ
  • Bản sao có chứng thực văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ (nếu có)
  • Tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, dịch vụ do ứng dụng công nghệ chuyển giao
  • Giải trình về điều kiện sử dụng công nghệ
  • Văn bản thẩm định giá công nghệ được chuyển giao trong trường hợp bên nhận chuyển giao công nghệ sử dụng vốn nhà nước

(Điều 30 – Luật Chuyển giao Công nghệ 2017)

Các lưu ý khi thương thảo hợp đồng chuyển giao công nghệ?

Xác định các bên trong hợp đồng và công nghệ chuyển giao

Cần phải xác định Thẩm quyền của bên chuyển giao công nghệ, Thông tin về đăng ký bảo hộ của công nghệ được chuyển giao, Quyền sở hữu trí tuệ của công nghệ được chuyển giao.

Định giá công nghệ

Một trong những công việc phức tạp và khó khăn là định giá công nghệ. Bên chuyển giao và nhận chuyển giao nên tham vấn và trao đổi thông tin với các chuyên gia trong lĩnh vực chuyển giao cũng như những thông tin trên thị trường để có một mức giá phù hợp nhất.

Các bên cũng cần quy định phương thức thanh toán cụ thể trong hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng để có giải pháp thanh toán hợp lý và hiệu quả trong quá trình chuyển giao công nghệ.

Phạm vi chuyển giao

Xác định rõ phạm vi chuyển giao (chuyển giao quyền sở hữu hay chuyển giao quyền sử dụng) để các bên hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mỗi bên tránh dẫn đến tranh chấp về sau.

Thời gian chuyển giao

Khi chuyển giao quyền sử dụng các bên trong hợp đồng chuyển giao công nghệ cần xác định rõ thời hạn chuyển giao công nghệ.

Soạn thảo Hợp đồng chuyển giao công nghệ

Trường hợp chuyển giao nhiều đối tượng công nghệ thì có thể lập một hoặc nhiều hợp đồng, nhưng nội dung các hợp đồng không được trùng lặp đối tượng công nghệ được chuyển giao.

Trường hợp chuyển giao công nghệ có kèm theo máy móc, thiết bị, phương tiện kỹ thuật thì danh mục và các thỏa thuận về máy móc, thiết bị, phương tiện kỹ thuật này phải được ghi trong hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng đính kèm.

Trường hợp chuyển giao là tài liệu công nghệ có chứa đựng các giải pháp kỹ thuật, bí quyết kỹ thuật, bản vẽ thiết kế, công thức, quy trình kỹ thuật thì trong hợp đồng cần ghi cụ thể tên, nội dung các tài liệu về công nghệ sẽ được chuyển giao.

Trường hợp chuyển giao công nghệ dưới hình thức đào tạo thì cần ghi rõ số lượng công nhân, cán bộ kỹ thuật, các ngành nghề, nội dung được đào tạo, chi phí, thời gian, địa điểm đào tạo trong hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng nhưng phải đảm bảo sau đào tạo bên nhận tiếp thu và làm chủ công nghệ được chuyển giao.

Trường hợp chuyển giao công nghệ dưới hình thức cử chuyên gia tư vấn kỹ thuật để hỗ trợ thực hiện tư vấn kỹ thuật cho bên nhận công nghệ đưa công nghệ vào sản xuất thì cần ghi rõ số lượng chuyên gia, nội dung, thời gian và chi phí hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật trong hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng.

Đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ

Hợp đồng chuyển giao công nghệ và phần chuyển giao công nghệ thuộc một trong những trường hợp sau đây phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, trừ công nghệ hạn chế chuyển giao đã được cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ:

  • Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam
  • Chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài
  • Chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn nhà nước hoặc ngân sách nhà nước, trừ trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân không thuộc các trường hợp trên đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ.

(Điều 31 – Luật Chuyển giao Công nghệ 2017)

Hỗ trợ, khuyến khích chuyển giao công nghệ

Việt Nam có nhiều chính sách và ưu đãi để nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ cho các cá nhân, tổ chức tại Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam đã thành lập Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao công nghệ.

Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia hỗ trợ việc chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ bằng các hình thức:

  • Cho vay ưu đãi;
  • Hỗ trợ lãi suất vay;
  • Bảo lãnh để vay vốn;
  • Hỗ trợ vốn.

Đối tượng được hưởng các hỗ trợ trên:

  • Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ được khuyến khích chuyển giao quy định tại Điều 9 của Luật Chuyển giao Công nghệ
  • Thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn
  • Hỗ trợ ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, giải mã công nghệ
  • Hỗ trợ đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ việc chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ
Ưu đãi về thuế khi thực hiện chuyển giao công nghệ:

Những đối tượng sau đây được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật về thuế:

  • Máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư, vật mẫu, công nghệ trong nước chưa tạo ra được nhập khẩu để sử dụng trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu và phát triển, giải mã, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ; tài liệu, sách báo khoa học phục vụ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ
  • Cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức, cá nhân đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ có thu nhập từ hoạt động cung ứng dịch vụ chuyển giao công nghệ
  • Tổ chức, cá nhân chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài; tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ, giải mã công nghệ tại doanh nghiệp
  • Tổ chức, cá nhân chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao.
(Điều 39 – Luật Chuyển giao Công nghệ 2017)
Crowe Vietnam cung cấp trọn gói dịch vụ ở mọi giai đoạn kinh doanh: Gia nhập, Thành lập, Vận hành, Mở rộng, Mua bán Sáp nhập & Rút khỏi Thị trường.