Sổ tay Thuế 1: Quản lý thuế

Quyển 1/6

21/06/2021

Mục lục

I. Quản lý thuế

Văn bản pháp lý
1. Đăng ký thuế
2. Kê khai thuế
3. Nộp thuế

II. Kiểm tra và thanh tra thuế

III. Xử lý vi phạm về thuế

Phụ lục

Phụ lục 1- Đối tượng không chịu thuế GTGT
Phụ lục 2- Đối tượng chịu thuế suất thuế GTGT 0% (quy định tại Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC)
Phụ lục 3- Đối tượng chịu thuế suất thuế GTGT 5% (quy định tại Điều 10 Thông tư 219/2013/TT-BTC)
Phụ lục 4- Chi phí không được trừ khi xác định thu nhập tính thuế TNDN (quy định tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC và các văn bản sửa đổi, bổ sung khác)
Phụ lục 5- Đối tượng chịu thuế TTĐBPhụ lục 6- Đối tượng không chịu thuế TTĐB
Phụ lục 6- Đối tượng không chịu thuế TTĐB

I. Quản lý thuế

Văn bản pháp lý 

  • Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/07/2020.
  • Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 quy định chi tiết một số điều của luật quản lý thuế

1. Đăng ký thuế

Người nộp thuế là các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức bao gồm cả nhà thầu nước ngoài có nghĩa vụ về thuế, phải thực hiện kê khai với cơ quan thuế hoặc cơ quan đăng ký kinh doanh các thông tin cơ bản của người nộp thuế.

  • Người nộp thuế là doanh nghiệp thực hiện đăng ký thuế theo Luật Doanh nghiệp. Theo đó mã số doanh nghiệp chính là mã số đăng ký kinh doanh và mã số thuế của doanh nghiệp.
  • Mỗi người nộp thuế sẽ được cấp một mã số thuế duy nhất. 

Trong các giao dịch với cơ quan thuế và các giao dịch kinh tế khác liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế, người nộp thuế có trách nhiệm ghi MST lên các giấy tờ giao dịch.

2. Kê khai thuế

Đối với loại thuế khai theo tháng, quý, năm nếu trong kỳ tính thuế không phát sinh nghĩa vụ thuế hoặc người nộp thuế đang thuộc diện được hưởng ưu đãi, miễn giảm thuế thì người nộp thuế vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế đúng quy định.

Trường hợp thông tin kê khai trong hồ sơ khai thuế không chính xác, không đầy đủ, không đúng hạn thì bị ấn định thuế.

Nguyên tắc kê khai, xác định giá tính thuế đối với giao dịch liên kết được quy định như sau:

  • Kê khai, xác định giá giao dịch liên kết theo nguyên tắc phân tích, so sánh với các giao dịch độc lập và nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế để xác định nghĩa vụ thuế phải nộp như trong điều kiện giữa các bên độc lập;
  • Giá giao dịch liên kết được điều chỉnh theo giao dịch độc lập để kê khai, xác định số tiền thuế phải nộp theo nguyên tắc không làm giảm thu nhập chịu thuế;
  • Người nộp thuế có quy mô nhỏ, rủi ro về thuế thấp được miễn thực hiện quy định tại điểm a, điểm b khoản này và được áp dụng cơ chế đơn giản hóa trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết.

Nguyên tắc khai thuế đối với cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế được quy định như sau:

  • Việc áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế được thực hiện trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế, sự thống nhất giữa cơ quan thuế và người nộp thuế theo thỏa thuận đơn phương, song phương và đa phương giữa cơ quan thuế, người nộp thuế và cơ quan thuế nước ngoài, vùng lãnh thổ có liên quan;
  • Việc áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế phải dựa trên thông tin của người nộp thuế, cơ sở dữ liệu thương mại có sự kiểm chứng bảo đảm tính pháp lý;
  • Việc áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế phải được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt trước khi thực hiện; đối với các thỏa thuận song phương, đa phương có sự tham gia của cơ quan thuế nước ngoài thì được thực hiện theo quy định của pháp luật về điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.

Kỳ kê khai thuế:

  • Kỳ khai và tính thuế gồm có tháng, quý, năm và theo từng lần phát sinh cũng như có sự thay đổi như chia, tách, sát nhập, giải thể, phá sản.
  • Khai theo từng lần phát sinh: Khai thuế xuất khẩu, nhập khẩu, thuế GTGT tạm tính theo từng lần phát sinh đối với hoạt động kinh doanh, xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh; thuế GTGT theo từng lần phát sinh đối với thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên doanh số của người kinh doanh không thường xuyên; thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa mua để xuất khẩu nhưng bán trong nước; thuế nhà thầu nước ngoài.

Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế và quyết toán thuế

  • Đối với hồ sơ khai thuế tháng: chậm nhất ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế.
  • Đối với hồ sơ khai thuế quý, tạm tính theo quý: chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế.
  • Đối với hồ sơ khai thuế năm: chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính.
  • Đối với hồ sơ khai thuế theo từng lần phát sinh: chậm nhất là ngày thứ 10, kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế.
  • Đối với hồ sơ quyết toán thuế năm: chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính.
  • Đối với hồ sơ quyết toán thu nhập cá nhân của cá nhân trực tiếp quyết toán: chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch.
  • Đối với hồ sơ khai thuế khoán của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán: chậm nhất là ngày 15 tháng 12 của năm trước liền kề. Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân mới kinh doanh: chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày bắt đầu kinh doanh.
  • Đối với hồ sơ quyết toán thuế trong trường hợp doanh nghiệp chia, tách, hợp nhất, sát nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động chậm nhất là ngày thứ 45 kể từ ngày xảy ra sự kiện đối với hồ sơ khai thuế trong trường hợp chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng hoặc tổ chức lại doanh nghiệp.

3. Nộp thuế

Thời hạn nộp thuế
  • Người nộp thuế theo phương pháp kê khai, tính thuế thì thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế.
  • Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp thì tạm nộp theo quý, thời gian nộp thuế chậm nhất là ngày 30 của tháng đầu quý sau.
  • Ngày nộp tiền thuế là căn cứ để tính thời gian nộp chậm tiền thuế (kể từ ngày hết hạn nộp thuế đến ngày thực nộp tiền thuế).

Đồng tiền nộp thuế

Đồng tiền nộp thuế là đồng Việt Nam. Nếu nộp bằng ngoại tệ ngoại tệ đó phải là loại ngoại tệ tự do chuyển đổi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và được quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế.

Địa điểm nộp thuế

Người nộp thuế có thể nộp thuế bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản, có thể nộp thuế bằng phương pháp điện tử, tại:

  • Thông qua ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, dịch vụ khác theo quy định;
  • Kho bạc Nhà nước;
  • Cơ quan thuế quản lý thu thuế;
  • Thông qua tổ chức được cơ quan thuế ủy nhiệm thu thuế.

Số thuế phải nộp và thứ tự thanh toán tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt:

  • Số thuế phải nộp căn cứ vào tờ khai đã được chấp nhận, nếu bị ấn định thuế, thời hạn nộp thuế là thời hạn ghi trên thông báo của cơ quan thuế.
  • Thứ tự thanh toán tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt:

- Tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp quá hạn thuộc đối tượng áp dụng các biện pháp cưỡng chế;
- Tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp quá hạn chưa thuộc đối tượng áp dụng các biện pháp cưỡng chế;
- Tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp phát sinh.

Thuế nộp thừa

Người nộp thuế có quyền để lại bù trừ vào nghĩa vụ thuế của các loại thuế phải nộp khác hoặc vào kỳ tính thuế tiếp theo, hoặc được hoàn thuế.

II. Kiểm tra và thanh tra thuế

Cơ quan thuế thực hiện kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế trong trường hợp người nộp thuế không giải trình hoặc bổ sung thông tin, tài liệu theo thông báo của cơ quan thuế; trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế; các trường hợp kiểm tra trước hoàn thuế sau và kiểm tra sau hoàn thuế theo quy định; hoặc trường hợp được lựa chọn theo kế hoạch, chuyên đề hàng năm; các trường hợp cấu trúc lại doanh nghiệp hoặc trường hợp kiểm tra đột xuất, kiểm tra theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, kiểm tra sau thông quan tại trụ sở của người khai hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan.

Thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế trong trường hợp: thanh tra theo kế hoạch hàng năm; thanh tra đột xuất khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế; thanh tra để giải quyết khiếu nại, tố cáo, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản, cổ phần hoá; hoặc theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý thuế các cấp hoặc Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Trước khi tiến hành kiểm tra, thanh tra thuế, cơ quan thuế sẽ gửi văn bản thông báo thời gian và phạm vi kiểm tra, thanh tra thuế đến đối tượng bị kiểm tra, thanh tra thuế.

III. Xử lý vi phạm về thuế

Luật quản lý thuế 2019 và các văn bản sửa đổi, văn bản hướng dẫn đã quy định xử lý cụ thể đối với các hành vi vi phạm về thuế.

Hình thức xử lý vi phạm hành chính về quản lý thuế:
  • Cảnh cáo;
  • Phạt tiền.
Mức xử lý vi phạm về thuế:
  • Người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định thì phải nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp theo mức 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.
  • Hành vi khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn thì phải nộp đủ số tiền thuế khai thiếu, nộp lại số tiền thuế được hoàn cao hơn và bị xử phạt 10% hoặc 20% số tiền thuế khai thiếu tùy trường hợp, số tiền thuế được hoàn cao hơn và phạt tiền thuế chậm nộp trên số tiền thuế thiếu hoặc số tiền thuế được hoàn cao hơn.
  • Người nộp thuế hành vi trốn thuế, gian lận thuế thì phải nộp đủ số tiền thuế theo quy định và bị phạt từ 1 đến 3 lần số tiền thuế trốn.

Thời hiệu xử phạt:
  • Đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế, thời hiệu xử phạt là 02 năm, kể từ ngày hành vi vi phạm được thực hiện đến ngày ra quyết định xử phạt. 
  • Đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn thì thời hiệu xử phạt là 05 năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm đến ngày ra quyết định xử phạt.
  • Thời hạn truy thu thuế là 10 năm trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.
  • Trường hợp người nộp thuế không đăng ký thuế thì phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận, tiền chậm nộp tiền thuế cho toàn bộ thời gian trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.

Phụ lục

Phụ lục 1- Đối tượng không chịu thuế GTGT

1. Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu. 
Doanh nghiệp, hợp tác xã mua sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã khác thì không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng nhưng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.
2. Sản phẩm là giống vật nuôi, giống cây trồng, bao gồm trứng giống, con giống, cây giống, hạt giống, tinh dịch, phôi, vật liệu di truyền.
3. Tưới, tiêu nước; cày, bừa đất; nạo vét kênh, mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp; dịch vụ thu hoạch sản phẩm nông nghiệp.
Phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ có công suất máy chính từ 90V trở lên; thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác.
4. Sản phẩm muối được sản xuất từ nước biển, muối mỏ tự nhiên, muối tinh, muối i-ốt mà thành phần chính là Na-tri-clo-rua (NaCl).
5. Nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước do Nhà nước bán cho người đang thuê.
6. Chuyển quyền sử dụng đất.
7. Bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm người học, các dịch vụ bảo hiểm khác liên quan đến con người; bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm cây trồng, các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp khác; bảo hiểm tàu, thuyền, trang thiết bị và các dụng cụ cần thiết khác phục vụ trực tiếp đánh bắt thuỷ sản; tái bảo hiểm.
8. Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán sau đây: 

a) Dịch vụ cấp tín dụng bao gồm: cho vay; chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và các giấy tờ có giá khác; bảo lãnh; cho thuê tài chính; phát hành thẻ tín dụng; bao thanh toán trong nước; bao thanh toán quốc tế; hình thức cấp tín dụng khác theo quy định của pháp luật; 
b) Dịch vụ cho vay của người nộp thuế không phải là tổ chức tín dụng; 
c) Kinh doanh chứng khoán bao gồm: môi giới chứng khoán; tự doanh chứng khoán; bảo lãnh phát hành chứng khoán; tư vấn đầu tư chứng khoán; lưu ký chứng khoán; quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán; dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; hoạt động kinh doanh chứng khoán khác theo quy định của pháp luật về chứng khoán; 
d) Chuyển nhượng vốn bao gồm: chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn đã đầu tư, kể cả trường hợp bán doanh nghiệp cho doanh nghiệp khác để sản xuất, kinh doanh, chuyển nhượng chứng khoán; hình thức chuyển nhượng vốn khác theo quy định của pháp luật; 
đ) Bán nợ; 
e) Kinh doanh ngoại tệ; 
g) Dịch vụ tài chính phái sinh bao gồm: hoán đổi lãi suất; hợp đồng kỳ hạn; hợp đồng tương lai; quyền chọn mua, bán ngoại tệ; dịch vụ tài chính phái sinh khác theo quy định của pháp luật; 
h) Bán tài sản bảo đảm của khoản nợ của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

9. Dịch vụ y tế, dịch vụ thú y, bao gồm dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh cho người và vật nuôi; dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật.
10. Dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và In-ter-net phổ cập theo chương trình của Chính phủ.
11. Dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng; dịch vụ tang lễ.
12. Duy tu, sửa chữa, xây dựng bằng nguồn vốn đóng góp của nhân dân, vốn viện trợ nhân đạo đối với các công trình văn hóa, nghệ thuật, công trình phục vụ công cộng, cơ sở hạ tầng và nhà ở cho đối tượng chính sách xã hội.
13. Dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật.
14. Phát sóng truyền thanh, truyền hình bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
15. Xuất bản, nhập khẩu, phát hành báo, tạp chí, bản tin chuyên ngành, sách chính trị, sách giáo khoa, giáo trình, sách văn bản pháp luật, sách khoa học - kỹ thuật, sách in bằng chữ dân tộc thiểu số và tranh, ảnh, áp phích tuyên truyền cổ động, kể cả dưới dạng băng hoặc đĩa ghi tiếng, ghi hình, dữ liệu điện tử; tiền, in tiền.
16. Vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt, xe điện.
17. Máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng và vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ dầu, khí đốt; tàu bay, dàn khoan, tàu thuỷ thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp hoặc thuê của nước ngoài để sử dụng cho sản xuất, kinh doanh, cho thuê, cho thuê lại.
18. Vũ khí, khí tài chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh.
19. Hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại; quà tặng cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; quà biếu, quà tặng cho cá nhân tại Việt Nam theo mức quy định của Chính phủ; đồ dùng của tổ chức, cá nhân nước ngoài theo tiêu chuẩn miễn trừ ngoại giao; hàng mang theo người trong tiêu chuẩn hành lý miễn thuế.
Hàng hóa, dịch vụ bán cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam.
20. Hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu; hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu; nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu theo hợp đồng sản xuất; gia công xuất khẩu ký kết với bên nước ngoài; hàng hóa, dịch vụ được mua bán giữa nước ngoài với các khu phi thuế quan và giữa các khu phi thuế quan với nhau.
21. Chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ; chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ; phần mềm máy tính.
22. Vàng nhập khẩu dạng thỏi, miếng chưa được chế tác thành sản phẩm mỹ nghệ, đồ trang sức hay sản phẩm khác.
23. Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác; sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên.
24. Sản phẩm nhân tạo dùng để thay thế cho bộ phận cơ thể của người bệnh; nạng, xe lăn và dụng cụ chuyên dùng khác cho người tàn tật.
25. Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ một trăm triệu đồng trở xuống. 

Phụ lục 2- Đối tượng chịu thuế suất thuế GTGT 0% (quy định tại Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC)

Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan; vận tải quốc tế; hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% hướng dẫn tại khoản 3 Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC.
Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu là hàng hóa, dịch vụ được bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật

Phụ lục 3- Đối tượng chịu thuế suất thuế GTGT 5% (quy định tại Điều 10 Thông tư 219/2013/TT-BTC)

1. Nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt, không bao gồm các loại nước uống đóng chai, đóng bình và các loại nước giải khát khác thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10%.
2. Quặng để sản xuất phân bón; thuốc phòng trừ sâu bệnh và chất kích thích tăng trưởng vật nuôi, cây trồng
3. Dịch vụ đào đắp, nạo vét kênh, mương, ao hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp; nuôi trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng; sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp (trừ nạo, vét kênh mương nội đồng được quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư 219).
4. Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa qua chế biến hoặc chỉ qua sơ chế, bảo quản (hình thức sơ chế, bảo quản theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 219) ở khâu kinh doanh thương mại, trừ các trường hợp hướng dẫn tại khoản 5 Điều 5 Thông tư 219.
5. Mủ cao su sơ chế như mủ cờ rếp, mủ tờ, mủ bún, mủ cốm; nhựa thông sơ chế; lưới, dây giềng và sợi để đan lưới đánh cá bao gồm các loại lưới đánh cá, các loại sợi, dây giềng loại chuyên dùng để đan lưới đánh cá không phân biệt nguyên liệu sản xuất.
6. Thực phẩm tươi sống ở khâu kinh doanh thương mại; lâm sản chưa qua chế biến ở khâu kinh doanh thương mại, trừ gỗ, măng và các sản phẩm quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 219.
7. Đường; phụ phẩm trong sản xuất đường, bao gồm gỉ đường, bã mía, bã bùn.
8. Sản phẩm bằng đay, cói, tre, song, mây, trúc, chít, nứa, luồng, lá, rơm, vỏ dừa, sọ dừa, bèo tây và các sản phẩm thủ công khác sản xuất bằng nguyên liệu tận dụng từ nông nghiệp là các loại sản phẩm được sản xuất, chế biến từ nguyên liệu chính là đay, cói, tre, song, mây, trúc, chít, nứa, luồng, lá như: thảm đay, sợi đay, bao đay, thảm sơ dừa, chiếu sản xuất bằng đay, cói; chổi chít, dây thừng, dây buộc làm bằng tre nứa, xơ dừa; rèm, mành bằng tre, trúc, nứa, chổi tre, nón lá; đũa tre, đũa luồng; bông sơ chế; giấy in báo.
9. Thiết bị, dụng cụ y tế gồm máy móc và dụng cụ chuyên dùng cho y tế như: các loại máy soi, chiếu, chụp dùng để khám, chữa bệnh; các thiết bị, dụng cụ chuyên dùng để mổ, điều trị vết thương, ô tô cứu thương; dụng cụ đo huyết áp, tim, mạch, dụng cụ truyền máu; bơm kim tiêm; dụng cụ phòng tránh thai và các dụng cụ, thiết bị chuyên dùng cho y tế khác theo xác nhận của Bộ Y tế.

10. Giáo cụ dùng để giảng dạy và học tập bao gồm các loại mô hình, hình vẽ, bảng, phấn, thước kẻ, com-pa và các loại thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học.
11. Hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim.
12. Đồ chơi cho trẻ em; Sách các loại, trừ sách không chịu thuế GTGT hướng dẫn tại khoản 15 Điều 4 Thông tư 219.
13. Dịch vụ khoa học và công nghệ là các hoạt động phục vụ, hỗ trợ kỹ thuật cho việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; các hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ; chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, an toàn bức xạ, hạt nhân và năng lượng nguyên tử; dịch vụ về thông tin, tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội theo hợp đồng dịch vụ khoa học và công nghệ quy định tại Luật Khoa học và công nghệ, không bao gồm trò chơi trực tuyến và dịch vụ giải trí trên Internet.
14. Bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật nhà ở. Nhà ở xã hội là nhà ở do Nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng và đáp ứng các tiêu chí về nhà ở, về giá bán nhà, về giá cho thuê, về giá cho thuê mua, về đối tượng, điều kiện được mua, được thuê, được thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Phụ lục 4- Chi phí không được trừ khi xác định thu nhập tính thuế TNDN (quy định tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC và các văn bản sửa đổi, bổ sung khác)

1. Khoản chi không đáp ứng đủ điều kiện là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
2. Chi khấu hao TSCĐ không đúng theo quy định hiện hành, phần trích khấu hao vượt mức theo quy định hiện hành.
3. Chi nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa vượt mức tiêu hao hợp lý.
4. Chi phí mua hàng hóa, dịch vụ (không có hóa đơn, được phép lập Bnagr kê thu mua hàng hóa, dịch vụ) nhưng không lập bảng kê kèm chứng từ thanh tán cho người bán hàng, cung cấp dịch vụ trong một số trường hợp.
5. Chi tiền lương, tiền công và các khoản phải trả khác cho NLĐ thực tế không chi trả hoặc không có chứng từ thanh toán theo quy định; không được quy định cụ thể trong hợp đồng hay thỏa ước lao động, quy chế tài chính của công ty.
6. Chi thưởng sáng kiến, cải tiến mà doanh nghiệp không có quy chế quy định cụ thể về việc chi thưởng sáng kiến, cải tiến, không có hội đồng nghiệm thu sáng kiến, cải tiến.
7. Chi phụ cấp tàu xe đi nghỉ phép không đúng theo quy định của Bộ Luật Lao động.
8. Phần trích nộp các quỹ bảo hiểm bắt buộc cho người lao động vượt mức quy định; phần trích nộp kinh phí công đoàn cho người lao động vượt mức quy định.
9. Phần chi vượt mức 03 triệu đồng/tháng/người để: Trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động; Phần vượt mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế để trích nộp các quỹ có tính chất an sinh xã hội (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm hưu trí bổ sung bắt buộc), quỹ bảo hiểm y tế và quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. 
10. Khoản chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động không theo đúng quy định hiện hành.
11. Phần chi phí thuê tài sản cố định vượt quá mức phân bổ theo số năm mà bên đi thuê trả tiền trước.
12. Trích, lập và sử dụng các khoản dự phòng không theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính về trích lập dự phòng như dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng bảo hành sản phẩm.
13. Các khoản chi phí trích trước theo kỳ hạn, theo chu kỳ mà đến hết kỳ hạn, hết chu kỳ chưa chi hoặc chi không hết, như trích trước về sửa chữa lớn TSCĐ, các khoản trích trước đối với hoạt động đã tính doanh thu nhưng còn tiếp tục phải thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng.
14. Lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối kỳ tính thuế bao gồm chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại số dư cuối năm.
15. Chi tài trợ cho giáo dục, y tế, khắc phục hậu quả thiên tai, làm nhà tình nghĩa cho người nghèo không đúng đối tượng hoặc không có hồ sơ xác định khoản tài trợ.
16. Chi tài trợ nghiên cứu khoa học không đúng quy định.
17. Phần chi phí quản lý kinh doanh do công ty ở nước ngoài phân bổ cho cơ sở thường trú tại Việt Nam vượt mức chi phí phân bổ theo doanh thu trong kỳ.
18. Các khoản chi được bù đắp bằng nguồn kinh phí khác; Các khoản chi đã được chi từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; Chi phí mua thẻ hội viên sân gôn, chi phí chơi gôn.
19. Các khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế, trừ các khoản chi mang tính đặc thù theo hướng dẫn của Bộ tài chính.
20. Chi về đầu tư xây dựng cơ bản trong giai đoạn đầu tư để hình thành tài sản cố định
21. Khoản chi liên quan trực tiếp đến việc phát hành cổ phiếu (trừ cổ phiếu thuộc loại nợ phải trả) và cổ tức của cổ phiếu (trừ cổ tức của cổ phiếu thuộc loại nợ phải trả), mua bán cổ phiếu quỹ và các khoản chi khác liên quan trực tiếp đến việc tăng, giảm vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.
22. Các khoản tiền phạt về vi phạm hành chính.
23. Thuế giá trị gia tăng đầu vào đã được khấu trừ hoặc hoàn thuế, thuế TNCN, thuế TNDN.
24. Các khoản chi của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số, kinh doanh chứng khoán và một số hoạt động kinh doanh đặc thù khác không thực hiện đúng theo văn bản hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính.
25. Quỹ dự phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau liền kề nếu không đáp ứng một trong 2 điều kiện:

• Mức dự phòng quỹ tiền lương không quá 17% quỹ tiền lương thực hiện.
• Chi hết trong vòng 6 tháng từ ngày kết thúc năm tài chính.

26. Chi phí lãi vay không được tính vào chi phí được trừ trong các trường hợp sau:

• Phần chi phí trả lãi tiền vay vốn sản xuất kinh doanh của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế vượt quá 1,5 lần mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay.
• Chi trả lãi tiền vay vốn tương ứng với phần vốn điều lệ đã đăng ký còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp.
• Chi phí lãi vay không phục vụ hoạt động SXKD, không có đầy đủ hóa đơn/ chứng từ.
• Tổng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) trong kỳ vượt quá mức 30% EBITDA (quy định tại Nghị định 132/2020/NĐ-CP).
• Phần chi phí lãi vay không được trừ theo quy định được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định trên. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.

Phụ lục 5- Đối tượng chịu thuế TTĐB

1. Hàng hóa:

a) Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm;
b) Rượu;
c) Bia;
d) Xe ô tô dưới 24 chỗ, kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng;
đ) Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3;
e) Tàu bay, du thuyền ;
g) Xăng các loại ;
h) Điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống ;
i) Bài lá;
k) Vàng mã, hàng mã.

2. Dịch vụ:

a) Kinh doanh vũ trường;
b) Kinh doanh mát-xa (massage), ka-ra-ô-kê (karaoke);
c) Kinh doanh ca-si-nô (casino); trò chơi điện tử có thưởng bao gồm trò chơi bằng máy giắc-pót (jackpot), máy sờ-lot (slot) và các loại máy tương tự;
d) Kinh doanh đặt cược;
đ) Kinh doanh gôn (golf) bao gồm bán thẻ hội viên, vé chơi gôn;
e) Kinh doanh xổ số.

Phụ lục 6- Đối tượng không chịu thuế TTĐB

1. Hàng hóa do cơ sở sản xuất, gia công trực tiếp xuất khẩu hoặc bán, ủy thác cho cơ sở kinh doanh khác để xuất khẩu;

2. Hàng hóa nhập khẩu bao gồm:           

a) Hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại; quà tặng cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, quà biếu, quà tặng cho cá nhân tại Việt Nam theo mức quy định của Chính phủ;

b) Hàng hóa vận chuyển quá cảnh hoặc mượn đường qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam, hàng hóa chuyển khẩu theo quy định của Chính phủ;

c) Hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu và tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu không phải nộp thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu trong thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;

d) Đồ dùng của tổ chức, cá nhân nước ngoài theo tiêu chuẩn miễn trừ ngoại giao; hàng mang theo người trong tiêu chuẩn hành lý miễn thuế; hàng nhập khẩu để bán miễn thuế theo quy định của pháp luật;

3. Tàu bay, du thuyền sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, khách du lịch và tàu bay sử dụng cho mục đích phun thuốc trừ sâu, chữa cháy, quay phim, chụp ảnh, đo đạc bản đồ, an ninh, quốc phòng;

4. Xe ô tô cứu thương; xe ô tô chở phạm nhân; xe ô tô tang lễ; xe ô tô thiết kế vừa có chỗ ngồi, vừa có chỗ đứng chở được từ 24 người trở lên; xe ô tô chạy trong khu vui chơi, giải trí, thể thao không đăng ký lưu hành và không tham gia giao thông;

5. Hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan, hàng hoá từ nội địa bán vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan, hàng hoá được mua bán giữa các khu phi thuế quan với nhau, trừ xe ô tô chở người dưới 24 chỗ.