Bản tin Tháng 7, 2019

Bản tin Tháng 7, 2019

Bản tin Tháng 7, 2019

Phí phát sinh từ hợp đồng tín dụng nước ngoài

Ngày 13 tháng 2 năm 2019, Tổng Cục Thuế ban hành Công văn số 474/TCT-HTQT hướng dẫn nghĩa vụ thuế đối với khoản phí phát sinh từ hợp đồng tín dụng nước ngoài.

Trường hợp Công ty ở Việt Nam ký hợp đồng tín dụng nước ngoài (Hàn Quốc), căn cứ theo quy định tại Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Hàn Quốc, các khoản phí phát sinh được hướng dẫn như sau:

  • Phí thu xếp khoản vay và phí tham gia cấu thành trong lãi suất mà Công ty trả có các bên cho vay theo Hợp đồng vay hợp vốn nước ngoài và liên quan trực tiếp đến số tiền vay nên được coi là thu nhập từ lãi tiền vay theo quy định tại Hiệp định.
  • Phí đại lý trả cho ngân hàng đại lý bên thứ ba cho các công việc hành chính giấy tờ mà ngân hàng đại lý thực hiện theo hợp đồng vay nên khoản phí này không liên quan trực tiếp đến số tiền vay và được coi là thu nhập từ kinh doanh.

 

Điều kiện trích lập dự phòng phải thu khó đòi khi chưa đến hạn thanh toán

Ngày 13 tháng 3 năm 2019, Tổng Cục Thuế ban hành Công văn số 811/TCT-DNL hướng dẫn về trích lập dự phòng khoản tổn thất đã trở thành khoản nợ khó đòi.

Trường hợp nợ phải thu chưa đáo hạn thanh toán được xác định là khoản nợ phải thu khó đòi khi tổ chức kinh tế (các công ty, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, tổ chức tín dung, …) đã lâm vào tình trạng phá sản hoặc đang làm thủ tục giải thể, người nợ mất tích, bỏ trốn, đang bị các cơ quan phát luật truy tố, giam giữ, xét xử, đang thi hành án hoặc đã chết.

Khi đó, nếu công ty xác nhận khoản nợ phải thu khó đòi để trích lập dự phòng khoản nợ phải thu khó đòi trên cơ sở phán quyết tại Bản án hành sự sơ thẩm khi án chưa có hiệu lực phát luật là chưa đủ cơ sở pháp lý.

 

Xử lý thuế đối với phế liệu, phế phẩm của loại hình sản xuất xuất khẩu

Ngày 22 tháng 5 năm 2019, Bộ Tài chính ban hành Công văn số 5845/BTC-TCHQ giải đáp vướng mắc xử lý thuế đối với phế liệu, phế phẩm tạo ra từ quá trình sản xuất hàng hóa xuất khẩu chuyên tiêu thụ nội địa. Theo đó,

1. Giai đoạn từ 1/09/2016 (ngày Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 có hiệu lực) đến trước ngày 05/06/2018 (ngày Thông tư số 39/2018/TT-BTC có hiệu lực):

Đối với phế liệu, phế phẩm thu được trong quá trình sản xuất hàng xuất khẩu chuyển tiêu thụ nội địa, doanh nghiệp đã thực hiện kê khai nộp thuế GTGT, thuế TTĐB (nếu có) với cơ quan thuế thì không phải kê khai, điều chỉnh lại với cơ quan hải quan.

Khi quyết toán việc quản lý, sử dụng nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu theo quy định của pháp luật về hải quan, doanh nghiệp có trách nhiệm xuất trình bản kê khai phế liệu, phế phẩm, chứng từ nộp thuế với cơ quan thuế cho cơ quan hải quan để thực hiện thanh khoản.

Trường hợp doanh nghiệp chưa kê khai và nộp đủ các loại thuế GTGT, thuế TTĐB (nếu có) với cơ quan thuế trong giai đoạn này thì phải kê khai bổ sung và nộp thuế cho cơ quan hải quan theo quy định tại Khoản 49, ĐIều 1, Thông tư 39/2018/TT-BTC.

2. Giai đoạn kể từ ngày 05/06/2018 (thời điểm Thông tư 39/2018/TT-BTC có hiệu lực) trở đi: thực hiện theo quy định tại Khoản 49, Điều 1, Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018 của Bộ Tài chính.

Phế liệu, phế phẩm thu được trong quá trình sản xuất hàng xuất khẩu khi bán, tiêu thụ nội địa được miễn thuế nhập khẩu nhưng phải kê khai, nộp thuế GTGT, thuế TTĐB (nếu có), thuế bảo vệ môi trường (nếu có) và gửi đến cơ quan hải quan thông qua Hệ thống theo chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 04 Phụ lục IIa ban hành kèm Thông tư này. Trường hợp thực hiện trên hồ sơ giấy, người khai hải quan khai theo mẫu số 06/BKKTT/TXNK Phụ lục VI ban hành kèm Thông tư Thông tư 39/2018/TT-BTC.

Đối với xử lý phế thải, tổ chức, cá nhân thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ghi chép sổ sách chi tiết, xuất trình cho cơ quan hải quan khi kiểm tra.

 

Ngày lập và ký duyệt trên hóa đơn điện tử

Ngày 13 tháng 3 năm 2019, Tổng Cục Thuế ban hành Công văn số 812/TCT-DNL hướng dẫn về ngày lập và ký duyệt trên hóa đơn điện tử khi áp dụng quy định tại Thông tư số 32/2011/TT-BTC.

Trường hợp doanh nghiệp có hoạt động bán hàng liện tục cả ngày và đêm trên phần mềm in hóa đơn điện tử, có tình trạng một số hóa đơn có ngày phê duyệt sau ngày lập hóa đơn, do khi lập hóa đơn điện tử và gửi cho người mua vào trước 24h của ngày hôm trước, người mua thực hiện ký điện tử trên hóa đơn điện tử nhận được và gửi cho người bán hóa đơn điện tử có đủ chữ ký điện tử của người mua và người bán thông qua hệ thống của tổ chức trung gian cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử vào sau 00h (rơi vào ngày hôm sau).

Theo đó, doanh nghiệp căn cứ ngày lập trên hóa đơn điện tử là ngày xác định nghĩa vụ kê khai, nộp thuế và hạch toán theo quy định.

 

Hiệp định tránh đánh thuế hai lần đối với cá nhân làm việc ở văn phòng đại diện tại Việt Nam

Ngày 28 tháng 02 năm 2019, Tổng Cục Thuế ban hành Công văn số 855/TCT-HTQT hướng dẫn áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần đối với cá nhân (bao gồm Trưởng văn phòng đại diện và nhân viên người nước ngoài) làm việc ở Văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Theo đó, thu nhập của cá nhân người nước ngoài từ công việc làm công tại Văn phòng đại diện sẽ chỉ chịu thuế TNCN tại nước ngoài (được miễn thuế TNCN tại Việt Nam) nếu cả 3 điều kiện được thỏa mãn:

a. Người nhận tiền có mặt tại Nước kia trong một thời gian hoặc nhiều thời gian gộp lại không quá 183 ngày trong năm tài chính có liên quan;

>> Nếu cá nhân là người nước ngoài có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày trong giai đoạn 12 tháng bắt đầu hoặc kết thúc trong năm tính thuế sẽ thỏa mãn điều kiện này.

b. Chủ lao động hay đối tượng đại diện chủ lao động trả tiền công lao động không phải là đối tượng cư trú tại Nước kia;

>> Đối với trường hợp cá nhân ký hợp đồng lao động trực tiếp với Công ty mẹ tại nước ngoài và được công ty nước ngoài bổ nhiệm làm việc tại Việt Nam, cá nhân phải thực hiện các công việc phục vụ cho hoạt động của VPĐD. VPĐD phải chịu trách nhiệm, chịu rủi ro đối với công việc của các cá nhân trong quá trình hoạt động, có quyền đối với sản phẩm và dịch vụ do cá nhân tạo ra, chịu trách nhiệm phương tiện làm việc, về địa điểm làm việc và tiền công tiền lương của cá nhân có do Văn phòng tại Việt Nam chi trả. Do đó, Văn phòng đại diện được coi là chủ lao động thực sự của cá nhân nêu trên.

c. Số tiền công không phải phát sinh tại một cơ sở thường trú hoặc một cơ sở cố định mà đối tượng chủ lao động có tại Nước kia.

>> Trường hợp VPĐD tham gia thực hiện các hoạt động trong chuỗi kinh doanh của Công ty nước ngoài. Các hoạt động không còn mang tính chất chuẩn bị và phụ trợ mà là các hoạt động góp phần tạo ra lợi nhuận cho Công ty nước ngoài như đàm phán, ký kết hợp đồng, tiếp thị, quảng cáo, hỗ trợ hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ, hậu mãi... Trong những trường hợp này, Công ty nước ngoài đã hình thành cơ sở thường trú (CSTT) tại Việt Nam thực hiện toàn bộ hoặc một phần hoạt động kinh doanh, do đó, cá nhân làm việc cho VPĐD như vậy sẽ không thỏa mãn được điều kiện (c) nêu trên.

Nếu cả 3 điều kiện trên đồng thời không được thỏa mãn, cá nhân phải kê khai và nộp thuế TNCN tại Việt Nam theo quy định của Luật Thuế TNCN và các văn bản hướng dẫn hiện hành.