Kiểm toán độc lập và Rủi ro gian lận?

07/01/2021
Kiểm toán độc lập và Rủi ro gian lận?

Nếu báo cáo tài chính đã được kiểm toán nhưng sau đó được phát hiện là có những sai sót trọng yếu do gian lận thì những ai sẽ chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm như thế nào?

Khi những gian lận trên báo cáo tài chính được phát hiện thì những bên sau đây sẽ chịu trách nhiệm trước các bên liên quan trực tiếp như sau:

  • Ban quản trị và Ban giám đốc của đơn vị được kiểm toán chịu trách nhiệm trước các cổ đông/ nhà đầu tư vì đã để xẩy ra các sai sót trọng yếu do gian lận. Việc ngăn ngừa và phát hiện gian lận trước hết thuộc về trách nhiệm của Ban quản trị và Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán (điều này thường được thể hiện rõ trong điều lệ của doanh nghiệp). Điều quan trọng là Ban Giám đốc, với sự giám sát của Ban quản trị, phải đặc biệt chú ý đến việc ngăn ngừa gian lận nhằm làm giảm bớt các cơ hội thực hiện hành vi gian lận và phát hiện gian lận qua đó thuyết phục các cá nhân không thực hiện hành vi gian lận vì khả năng bị phát hiện và xử phạt. Trách nhiệm này bao gồm việc cam kết tạo ra văn hóa trung thực và hành vi có đạo đức mà có thể được tăng cường bằng hoạt động giám sát tích cực của Ban quản trị. Trong khi thực hiện trách nhiệm giám sát của mình, Ban quản trị phải xem xét khả năng xảy ra hành vi khống chế kiểm soát hoặc hành động gây ảnh hưởng không thích hợp đến quy trình lập và trình bày báo cáo tài chính, ví dụ việc Ban Giám đốc cố gắng điều chỉnh kết quả kinh doanh để các nhà phân tích hiểu không đúng về hiệu quả hoạt động và khả năng sinh lời của đơn vị được kiểm toán.
  • Các bộ phận trong doanh nghiệp (có chức năng liên quan đến quản trị rủi ro) có thể phải chịu trách nhiệm tương ứng trước Ban quản trị và Ban giám đốc nếu không thực hiện đầy đủ và phù hợp các chức năng công việc liên quan. Các bộ phận liên quan có thể bao gồm: ủy ban quản trị rủi ro, giám đốc các bộ phận liên quan, kiểm toán nội bộ, giám đốc tài chính, kế toán trưởng, nhân viên phụ trách thực hiện các kiểm soát
  • Công ty kiểm toán và kiểm toán viên phụ trách có thể phải chịu trách nhiệm trước những người sử dụng báo cáo tài chính nếu không tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn của chuẩn mực kiểm toán liên quan đến rủi ro do gian lận (Chuẩn mực 240 – Trách nhiệm của kiểm toán viên liên quan đến gian lận).

Theo đó, người sử dụng báo cáo tài chính có thể kiện công ty kiểm toán và kiểm toán viên phụ trách ra tòa để đòi bồi thường các thiệt hại của mình nếu cho rằng công ty kiểm toán và kiểm toán viên phụ trách đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, hoặc có hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Nếu việc kiểm tra hồ sơ kiểm toán cho thấy bằng chứng về việc này thì công ty kiểm toán và kiểm toán viên sẽ phải chịu bồi thường và chế tài phạt theo quyết định của tòa án.

 

Tại sao kiểm toán độc lập có thể không phát hiện được các gian lận?

  • Khi thực hiện kiểm toán theo các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, kiểm toán viên chịu trách nhiệm đạt được sự đảm bảo hợp lý rằng liệu báo cáo tài chính, xét trên phương diện tổng thể, có còn sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn hay không. Do những hạn chế vốn có của kiểm toán, nên có rủi ro không thể tránh khỏi là kiểm toán viên không phát hiện được một số sai sót làm ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính, kể cả khi cuộc kiểm toán đã được lập kế hoạch và thực hiện theo các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam (xem đoạn A51 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 200).
  • Như đã đề cập tại đoạn A51 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 200, ảnh hưởng của các hạn chế vốn có là đặc biệt nghiêm trọng đối với các sai sót do gian lận. Rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận cao hơn rủi ro có sai sót trọng yếu do nhầm lẫn. Đó là do gian lận có thể được thực hiện thông qua các mánh khóe tinh vi và được tổ chức chặt chẽ nhằm che giấu hành vi gian lận, như giả mạo hồ sơ, cố ý không ghi chép các giao dịch, hoặc cố ý cung cấp các giải trình sai cho kiểm toán viên. Hành động che giấu còn có thể khó phát hiện hơn khi có sự thông đồng thực hiện hành vi gian lận. Sự thông đồng có thể làm cho kiểm toán viên tin rằng bằng chứng kiểm toán là thuyết phục trong khi thực tế đó là những bằng chứng giả. Khả năng phát hiện gian lận của kiểm toán viên phụ thuộc vào các yếu tố như kỹ năng của thủ phạm, tần suất và mức độ của hành vi thao túng, mức độ thông đồng, giá trị của khoản tiền bị thao túng, cấp bậc của những cá nhân có hành vi gian lận. Mặc dù kiểm toán viên có thể xác định được các cơ hội thực hiện hành vi gian lận, nhưng rất khó để có thể xác định được các sai sót trong các lĩnh vực mà họ xem xét, như các ước tính kế toán, là do gian lận hay nhầm lẫn.
  • Ngoài ra, rủi ro về việc kiểm toán viên không phát hiện hết sai sót trọng yếu xuất phát từ hành vi gian lận của Ban Giám đốc là cao hơn so với việc phát hiện sai sót do gian lận của nhân viên, bởi vì Ban Giám đốc thường xuyên có điều kiện trực tiếp hoặc gián tiếp thao túng việc ghi sổ kế toán, trình bày các thông tin tài chính gian lận hoặc khống chế các thủ tục kiểm soát được thiết lập nhằm ngăn ngừa các hành vi gian lận tương tự của các nhân viên khác.

 

Chuẩn mực kiểm toán độc lập có những yêu cầu và hướng dẫn như thế nào đối với rủi ro gian lận?

Chuẩn mực 240 (Trách nhiệm của kiểm toán viên liên quan đến gian lận) hướng dẫn những nội dung như sau:

  • Thái độ hoài nghi nghề nghiệp:

Theo Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 200, kiểm toán viên phải duy trì thái độ hoài nghi nghề nghiệp trong suốt cuộc kiểm toán, phải nhận thức được khả năng có thể tồn tại sai sót trọng yếu do gian lận, cho dù trong các cuộc kiểm toán trước, kiểm toán viên đã biết về tính trung thực và chính trực của Ban Giám đốc và Ban quản trị của đơn vị được kiểm toán

  • Thảo luận trong nhóm kiểm toán

Đoạn 10 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 315 yêu cầu nhóm kiểm toán phải tổ chức thảo luận giữa các thành viên trong nhóm và thành viên Ban Giám đốc phụ trách tổng thể cuộc kiểm toán phải xác định các vấn đề cần trao đổi với các thành viên của nhóm kiểm toán không tham gia cuộc thảo luận nhóm. Cuộc thảo luận này phải đặc biệt tập trung vào nội dung và cách thức mà báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán dễ có sai sót trọng yếu do gian lận, kể cả việc gian lận đó có thể xảy ra như thế nào. Cuộc thảo luận này phải được thực hiện kể cả khi nhóm kiểm toán tin tưởng vào tính trung thực và chính trực của Ban Giám đốc và Ban quản trị của đơn vị được kiểm toán

  • Thủ tục đánh giá rủi ro và các hoạt động liên quan

Khi thực hiện thủ tục đánh giá rủi ro và các hoạt động liên quan nhằm tìm hiểu về đơn vị được kiểm toán và môi trường hoạt động của đơn vị, bao gồm kiểm soát nội bộ của đơn vị, theo yêu cầu của đoạn 05 - 24 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 315, kiểm toán viên phải thực hiện các thủ tục tại các đoạn 17 - 24 của Chuẩn mực này để thu thập thông tin nhằm xác định rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận.

  • Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận

Theo đoạn 25 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 315, kiểm toán viên phải xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận ở cấp độ báo cáo tài chính và ở cấp độ cơ sở dẫn liệu của các nhóm giao dịch, số dư tài khoản và thông tin thuyết minh.

  • Biện pháp xử lý đối với rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận đã được đánh giá

Theo đoạn 05 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 330, kiểm toán viên phải xác định biện pháp xử lý tổng thể để xử lý các rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận đã được đánh giá ở cấp độ báo cáo tài chính

  • Đánh giá bằng chứng kiểm toán

Nếu xác định được một sai sót, bất kể có trọng yếu hay không, mà kiểm toán viên có lý do để tin rằng sai sót đó xuất phát từ gian lận hoặc có thể xuất phát từ gian lận và có sự tham gia của Ban Giám đốc (đặc biệt là lãnh đạo cấp cao), thì kiểm toán viên phải xem xét lại đánh giá của mình về rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận và ảnh hưởng của sai sót đó tới nội dung, lịch trình, phạm vi của các thủ tục kiểm toán đối với rủi ro đã đánh giá. Khi xem xét lại độ tin cậy của các bằng chứng đã thu thập được trước đó, kiểm toán viên cũng phải cân nhắc xem các tình huống hoặc điều kiện có biểu hiện hành vi thông đồng liên quan đến các nhân viên, Ban Giám đốc hoặc các bên thứ ba hay không

  • Kiểm toán viên không thể tiếp tục hợp đồng kiểm toán

Do kết quả của một sai sót do gian lận hoặc nghi ngờ có gian lận, nếu gặp phải tình huống dẫn đến yêu cầu xem xét lại khả năng tiếp tục thực hiện công việc kiểm toán thì kiểm toán viên phải áp dụng theo các hướng dẫn của chuẩn mực kiểm toán.

  • Trao đổi với Ban Giám đốc và Ban quản trị đơn vị được kiểm toán

Nếu kiểm toán viên xác định được hành vi gian lận hoặc thu thập được thông tin cho thấy có thể có hành vi gian lận thì kiểm toán viên phải kịp thời trao đổi các vấn đề này với cấp quản lý thích hợp của đơn vị nhằm thông báo với những người có trách nhiệm chính trong việc ngăn ngừa và phát hiện gian lận về các vấn đề liên quan đến trách nhiệm của họ

  • Trao đổi với các cơ quan quản lý và cơ quan pháp luật có liên quan

Nếu xác định được hành vi gian lận hoặc nghi ngờ có hành vi gian lận thì kiểm toán viên phải xác định trách nhiệm báo cáo về hành vi gian lận hoặc nghi ngờ có hành vi gian lận đó với bên thứ ba (nếu có). Mặc dù trách nhiệm bảo mật thông tin của khách hàng có thể không cho phép kiểm toán viên thực hiện việc báo cáo đó nhưng trong một số trường hợp, trách nhiệm pháp lý của kiểm toán viên có thể cao hơn trách nhiệm bảo mật đó

Xem chi tiết nội dung chuẩn mực ở đây.