Báo cáo kiểm toán: Những điều cần biết?

07/01/2021
Báo cáo kiểm toán: Những điều cần biết?

Báo cáo kiểm toán độc lập được lập như thế nào?

Sau khi thực hiện xong các thủ tục kiểm toán, kiểm toán viên sẽ phải lập báo cáo kiểm toán theo đúng các hướng dẫn và mẫu báo cáo của chuẩn mực kiểm toán, thay vì theo kiểu tự do. Các chuẩn mực kiểm toán liên quan gồm chuẩn mực số 700, 705, 706, 710, 720, 800, 805, 810, 1000, 930, 920.

Tùy thuộc phạm vi và tính chất của từng loại kiểm toán mà mẫu ý kiến toán sẽ có những đặc điểm riêng khác nhau (xem chi tiết trong các chuẩn mực trên)

Đối với kiểm toán báo cáo tài chính (loại kiểm toán phổ biến), thì báo cáo kiểm toán sẽ có 4 loại như sau:

1.Ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần: Là ý kiến được đưa ra khi kiểm toán viên kết luận rằng báo cáo tài chính đã được lập, trên các khía cạnh trọng yếu, phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng.

2.Ý kiến kiểm toán chấp nhận từng phần: Là ý kiến này được đưa ra trong trường hợp dựa trên các bằng chứng kiểm toán đầy đủ, thích hợp đã thu thập được, kiểm toán viên kết luận là các sai sót, xét riêng lẻ hay tổng hợp lại, có ảnh hưởng trọng yếu nhưng không lan tỏa đối với báo cáo tài chính; hoặc kiểm toán viên bị giới hạn công tác kiểm toán, không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán, nhưng kiểm toán viên kết luận rằng những ảnh hưởng có thể có của các sai sót chưa được phát hiện (nếu có) có thể là trọng yếu nhưng không lan tỏa đối với báo cáo tài chính.

3. Ý kiến không chấp nhận (hoặc ý kiến trái ngược): Ý kiến trái ngược được đưa ra trong trường hợp khi dựa trên các bằng chứng kiểm toán đầy đủ, thích hợp đã thu thập được, kiểm toán viên kết luận là các sai sót, xét riêng lẻ hay tổng hợp lại, có ảnh hưởng trọng yếu và lan tỏa đối với báo cáo tài chính. Loại báo cáo này được phát hành khi phạm vi kiểm toán bị giới hạn nghiêm trọng hoặc các tài liệu quá mập mờ, không rõ ràng khiến KTV không thể tiến hành kiểm toán theo chương trình đã định.

4. Ý kiến từ chối (hoặc không thể đưa ra ý kiến): Ý kiến từ chối được đưa ra trong trường hợp khi kiểm toán viên không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán và kiểm toán viên kết luận rằng những ảnh hưởng có thể có của các sai sót chưa được phát hiện (nếu có) có thể là trọng yếu và lan tỏa đối với báo cáo tài chính. 

Để biết chi tiết hơn về mẫu báo cáo kiểm toán của 4 loại trên, hãy xem chuẩn mực kiểm toán số 700 tại đây

Để đánh giá xem liệu kiểm toán viên có đang trình bày ý kiến kiểm toán phù hợp với doanh nghiệp của mình hay không, hãy tham khảo những hướng dẫn chi tiết trong các chuẩn mực liên quan như trình bày ở trên.

 

Ý kiến kiểm toán là ý kiến chấp nhận toàn phần (unqualified opinion) thì có nghĩa là báo cáo tài chính chắn chắn sẽ không có sai sót trọng yếu?

(Mục 05 của Chuẩn mực VSA 200)

“Để kiểm toán viên có cơ sở để đưa ra ý kiến kiểm toán, chuẩn mực kiểm toán Việt Nam yêu cầu kiểm toán viên phải đạt được sự đảm bảo hợp lý về việc liệu báo cáo tài chính, xét trên phương diện tổng thể, có còn sai sót trọng yếu do gian lận hoặc do nhầm lẫn hay không. Sự đảm bảo hợp lý là sự đảm bảo ở mức độ cao và chỉ đạt được khi kiểm toán viên đã thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp nhằm làm giảm rủi ro kiểm toán (là rủi ro do kiểm toán viên đưa ra ý kiến không phù hợp khi báo cáo tài chính còn có những sai sót trọng yếu) tới một mức độ thấp có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, sự đảm bảo hợp lý không phải là đảm bảo tuyệt đối, do luôn tồn tại những hạn chế vốn có của cuộc kiểm toán làm cho hầu hết bằng chứng kiểm toán mà kiểm toán viên dựa vào để đưa ra kết luận và ý kiến kiểm toán đều mang tính thuyết phục hơn là khẳng định (xem hướng dẫn tại đoạn  A28 - A52 Chuẩn mực này)”

Căn cứ vào giải trình như trên có thể hiểu là trong mọi trường hợp không thể khẳng định là báo cáo tài chính chắc chắn sẽ không thể có sai sót trọng yếu được, tuy nhiên, nếu có ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần thì khả năng có sai sót trọng yếu sẽ ở mức rất thấp.

 

Sai sót trọng yếu của báo cáo tài chính được hiểu như thế nào?

(Mục 06 của Chuẩn mực VSA 200)

“Khái niệm về tính trọng yếu được kiểm toán viên sử dụng trong cả giai đoạn lập kế hoạch và thực hiện kiểm toán và trong việc đánh giá ảnh hưởng của những sai sót đã phát hiện trong quá trình kiểm toán, kể cả những sai sót chưa được điều chỉnh (nếu có) trong báo cáo tài chính (xem các quy định và hướng dẫn của Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 320 và số 450). Nhìn chung, các sai sót, bao gồm cả việc bỏ sót, được coi là trọng yếu khi xét riêng lẻ hay tổng hợp lại, sai sót đó có thể gây ảnh hưởng đến quyết định của người sử dụng báo cáo tài chính. Sự xét đoán về mức trọng yếu cần được xem xét trong hoàn cảnh cụ thể, trên cơ sở kiểm toán viên hiểu rõ về những thông tin tài chính mà người sử dụng báo cáo tài chính quan tâm, quy mô hoặc bản chất của sai sót, hoặc kết hợp cả hai yếu tố đó. Trách nhiệm của kiểm toán viên là đưa ra ý kiến đối với tổng thể báo cáo tài chính, do đó, kiểm toán viên không có trách nhiệm phát hiện các sai sót không mang tính trọng yếu đối với tổng thể báo cáo tài chính.”