Điều kiện đầu tư áp dụng với Nhà đầu tư nước ngoài và Quy trình đăng ký đầu tư

16/03/2021
Làm sao để biết ngành, nghề mà nhà đầu tư nước ngoài dự định đầu tư kinh doanh ở Việt Nam có thuộc danh sách ngành nghề được cho phép hay không? Thủ tục xin cấp phép đầu tư như thế nào và trong thời gian bao lâu?
Danh sách ngành, nghề mà Nhà Đầu tư nước ngoài được phép đầu tư tại Việt Nam

Theo quy định tại Luật Đầu tư 61/2020/QH14, Nhà Đầu tư có quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh các ngành nghề mà không thuộc danh sách bị cấm như sau:

  1. Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật này;
  2. Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật này;
  3. Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này;
  4. Kinh doanh mại dâm;
  5. Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;
  6. Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
  7. Kinh doanh pháo nổ;
  8. Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Tuy nhiên, trong những ngành nghề không bị cấm thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ chưa được phép tiếp cận thị trường hoặc bị hạn chế tiếp cận thị trường đối với một số ngành nghề như ở dưới đây.

Danh mục ngành nghề nhà đầu tư nước ngoài chưa được phép tiếp cận thị trường
  1. Kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền nhà nước trong lĩnh vực thương mại;
  2. Hoạt động báo chí và hoạt động thu thập tin tức dưới mọi hình thức;
  3. Đánh bắt hoặc khai thác hải sản;
  4. Dịch vụ điều tra và an ninh;
  5. Các dịch vụ hành chính tư pháp, bao gồm dịch vụ giám định tư pháp, dịch vụ thừa phát lại, dịch vụ đấu giá tài sản, dịch vụ công chứng, dịch vụ của quản tài viên;
  6. Dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
  7. Xây dựng nghĩa trang, dịch vụ nghĩa trang và dịch vụ mai táng;
  8. Dịch vụ thăm dò ý kiến công chúng (thăm dò dư luận);
  9. Dịch vụ nổ mìn; và sản xuất, kinh doanh vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;
  10. Dịch vụ kiểm định và cấp giấy chứng nhận cho các phương tiện vận tải;
  11. Nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng;
  12. Dịch vụ bưu chính công ích;
  13. Dịch vụ khảo sát, xây dựng và phát hành hải đồ vùng nước, cảng biển, luồng hàng hải và tuyến hàng hải; xây dựng và phát hành ấn phẩm hàng hải;
  14. Kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa;
  15. Sản xuất, kinh doanh đèn trời.
Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài:
  1. Sản xuất và phân phối các sản phẩm văn hóa, bao gồm các bản ghi hình; 
  2. Sản xuất, phân phối, và chiếu các chương trình ti vi và các tác phẩm ca múa nhạc, sân khấu, điện ảnh; 
  3. Cung cấp dịch vụ phát thanh và truyền hình;
  4. Bảo hiểm, ngân hàng, môi giới, kinh doanh chứng khoán và các dịch vụ có liên quan khác;
  5. Dịch vụ bưu chính, viễn thông;
  6. Dịch vụ quảng cáo;
  7. Dịch vụ in, dịch vụ phát hành xuất bản phẩm;
  8. Đo đạc và bản đồ; 
  9. Dịch vụ giáo dục; 
  10. Thăm dò, khai thác và chế biến tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, dầu và khí;
  11. Thủy điện, điện gió ngoài khơi và năng lượng hạt nhân;
  12. Vận tải hàng hóa và hành khách bằng đường sắt, đường hàng không, đường bộ, đường sông, đường biển, đường ống; 
  13. Nuôi trồng thủy sản; 
  14. Lâm nghiệp và săn bắn; 
  15. Kinh doanh đặt cược, casino; 
  16. Dịch vụ liên quan đến sở hữu công nghiệp;
  17. Dịch vụ bảo vệ;   
  18. Sản xuất vật liệu hoặc thiết bị quân sự; 
  19. Xây dựng, vận hành và quản lý cảng sông, cảng biển và sân bay; 
  20. Kinh doanh bất động sản;
  21. Dịch vụ pháp lý; 
  22. Dịch vụ thú y; 
  23. Dịch vụ phân phối; 
  24. Dịch vụ kiểm tra và phân tích kỹ thuật;
  25. Dịch vụ du lịch;
  26. Dịch vụ sức khỏe và dịch vụ xã hội; 
  27. Dịch vụ thể thao và giải trí; 
  28. Sản xuất giấy; 
  29. Sản xuất phương tiện vận tải trên 29 chỗ; 
  30. Phát triển và vận hành chợ truyền thống; 
  31. Sàn giao dịch hàng hóa; 
  32. Dịch vụ thu gom hàng lẻ ở nội địa;
  33. Dịch vụ kiểm toán, kế toán, sổ sách kế toán và thuế;
  34. Dịch vụ thẩm định giá, dịch vụ tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa;
  35. Dịch vụ liên quan đến nông, lâm, ngư nghiệp;
  36. Sản xuất, chế tạo máy bay;
  37. Sản xuất, chế tạo đầu máy và toa xe đường sắt;
  38. Sản xuất thuốc lá;
  39. Hoạt động của nhà xuất bản;
  40. Đóng mới, sửa chữa tàu biển;
  41. Thu, mua, xử lý hàng quân sự và công trình quốc phòng, quân sự;
  42. Kinh doanh quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang, vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dụng quân sự và công an, linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng;
  43. Dịch vụ thu gom chất thải, dịch vụ quan trắc môi trường;
  44. Dịch vụ trọng tài thương mại, hòa giải trọng tài;
  45. Kinh doanh dịch vụ logistics;
  46. Vận tải biển ven bờ;
  47. Canh tác, sản xuất hoặc chế biến các loại cây trồng quý hiếm, chăn nuôn gây giống động vật hoang dã quý hiếm và chế biến, xử lý các động vật hay cây trồng này, bao gồm cả động vật sống và các chế phẩm từ chúng;
  48. Sản xuất vật liệu xây dựng, bao gồm kính xây dựng, gạch đất sét, thiết bị sản xuất xi-măng, gạch, bê tông tươi, đá nghiền;
  49. Lắp ráp xe gắn máy;
  50. Hoạt động mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu;
  51. Các ngành, nghề kinh doanh mới chưa thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam tại thời điểm Luật Đầu tư tại thời điểm lực thi hành.
Các điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài nếu ngành nghề kinh doanh đầu tư thuộc danh mục hạn chế tiếp cận thị trường

Đây là các điều kiện mà nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng khi thực hiện hoạt động đầu tư trong những ngành nghề thuộc danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định, điều ước quốc tế về đầu tư.

Điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế

Nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong tổ chức kinh tế. Trừ những trường hợp sau đây:

  • Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty niêm yết, công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
  • Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước.
  • Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không thuộc  hai trường hợp nêu trên, thì thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Xem thêm: Quy định về tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Điều kiện về hình thức đầu tư

Khi đầu tư vào Việt Nam có thể thực hiện đầu tư trực tiếp hoặc đầu tư gián tiếp. Các hình thức đầu tư nước ngoài tại Việt Nam gồm:

  • Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.
  • Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.
  • Thực hiện dự án đầu tư.
  • Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
  • Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.

Mỗi hình thức sẽ có những yêu cầu riêng.

(Điều 21 – Luật Đầu tư 2020)

Xem thêm: Các hình thức nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty Việt Nam

Điều kiện về phạm vi hoạt động đầu tư

Đối với những ngành, phân ngành mà Việt Nam đã cam kết mà nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng các điều kiện về đầu tư của ngành nghề đó thì Cơ quan đăng ký đầu tư xem xét, quyết định cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

Đối với những ngành, phân ngành dịch vụ chưa cam kết hoặc không quy định tại Biểu cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế về đầu tư nhưng pháp luật Việt Nam đã có quy định về điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài thì áp dụng theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư

Nhiều ngành nghề kinh doanh khi lựa chọn đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài bắt buộc phải liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam đã được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực đó. Ví dụ lĩnh vực quảng cáo: 

Theo biểu cam kết gia nhập WTO, kể từ ngày gia nhập, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được thành lập liên doanh hoặc tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác Việt Nam đã được phép kinh doanh dịch vụ.

Điều 40 Luật quảng cáo 2012, luật hóa cam kết này: “Tổ chức, cá nhân nước ngoài được hợp tác, đầu tư với người kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Việt Nam theo hình thức liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh.”

Căn cứ vào các quy định này, nhà đầu tư nước ngoài không được tự do đầu tư kinh doanh lĩnh vực Quảng cáo mà chỉ được đầu tư theo hình thức liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác Việt Nam đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động quảng cáo.

Thủ tục xin cấp phép đầu tư:

Bước 1: Đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Trước khi thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, không căn cứ vào ngành nghề kinh doanh, lĩnh vực đầu tư, tỷ lệ vốn nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ (tức từ 1% đến 100%) nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư và phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Nếu từ chối cấp thì sẽ trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.

Đối với hình thức đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thông qua việc nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần, phần vốn góp tại công ty Việt Nam đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài hoặc việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn tới nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ của doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đăng ký mua phần vốn góp với Sở Kế hoạch đầu tư mà không cần thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. 

Chỉ cần thực hiện thủ tục báo cáo sử dụng mẫu I.13 tại Thông tư số 16/2015/TT-BKHĐT. Nội dung báo cáo gồm: Tên dự án đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư, địa điểm, thời hạn, tiến độ đầu tư, nhu cầu về lao động, ưu đãi đầu tư (nếu có).

Bước 2: Đăng ký thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đăng ký thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài.Nhà đầu tư nước ngoài chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và nộp tại Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh/thành phố nơi công ty đặt trụ sở. Sau 05 – 07 ngày làm việc, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho nhà đầu tư.

Xem thêm hướng dẫn ở đây