Thanh tra thuế và Chế tài xử lý vi phạm?

06/01/2021
Thanh tra thuế và Chế tài xử lý vi phạm?

Nếu vi phạm các quy định thuế liên quan đến giao dịch liên kết thì doanh nghiệp sẽ có thể chịu các chế tài như thế nào?

Mục 3, điều 12 của Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định như sau:

“Cơ quan thuế có quyền ấn định mức giá; tỷ suất lợi nhuận; tỷ lệ phân bổ lợi nhuận được sử dụng để kê khai tính thuế, ấn định thu nhập chịu thuế hoặc số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết trong kỳ tính thuế căn cứ các thông tin, dữ liệu và phân tích đánh giá của Cơ quan thuế, trong các trường hợp người nộp thuế có các hành vi vi phạm pháp luật về xác định giá giao dịch liên kết sau:

a) Người nộp thuế không kê khai, kê khai không đầy đủ thông tin hoặc không nộp Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Người nộp thuế cung cấp không đầy đủ thông tin Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết quy định tại Mẫu số 02, Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này hoặc không xuất trình Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết và các dữ liệu, chứng từ và tài liệu được sử dụng làm căn cứ phân tích so sánh, xác định giá tại Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo yêu cầu của Cơ quan thuế trong thời hạn theo quy định tại Nghị định này;

c) Người nộp thuế sử dụng các thông tin về giao dịch độc lập không trung thực, không đúng thực tế để phân tích so sánh, kê khai xác định giá giao dịch liên kết hoặc dựa vào các tài liệu, dữ liệu và chứng từ không hợp pháp, không hợp lệ hoặc không nêu rõ nguồn gốc xuất xứ để xác định mức giá, tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận áp dụng cho giao dịch liên kết;

d) Người nộp thuế có hành vi vi phạm các quy định về xác định giá giao dịch liên kết tại Điều 11 Nghị định này (về các trường hợp người nộp thuế được miễn kê khai, miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết)”

Tương tự, mục 3, điều 20 của Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định như sau:

“Cơ quan thuế có quyền ấn định mức giá; tỷ suất lợi nhuận; tỷ lệ phân bổ lợi nhuận; thu nhập chịu thuế hoặc số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp đối với người nộp thuế không tuân thủ quy định về kê khai, xác định giao dịch liên kết; không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin, dữ liệu kê khai xác định giá giao dịch liên kết trong các trường hợp sau:

a) Người nộp thuế không kê khai, kê khai không đầy đủ thông tin hoặc không nộp Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Người nộp thuế cung cấp không đầy đủ thông tin Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết quy định tại Phụ lục II, Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này hoặc không xuất trình Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết và các dữ liệu, chứng từ và tài liệu được sử dụng làm căn cứ phân tích, so sánh, xác định giá tại Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo yêu cầu của Cơ quan thuế trong thời hạn theo quy định tại Nghị định này. Thông tin tại Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết được xác định là trọng yếu nếu thông tin này gây ảnh hưởng đến kết quả phân tích lựa chọn đối tượng so sánh độc lập tương đồng; phương pháp xác định giá giao dịch liên kết hoặc kết quả điều chỉnh mức giá, tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của người nộp thuế;

c) Người nộp thuế sử dụng các thông tin về giao dịch độc lập không trung thực, không đúng thực tế để phân tích, so sánh, kê khai xác định giá giao dịch liên kết hoặc dựa vào các tài liệu, dữ liệu và chứng từ không hợp pháp, không hợp lệ hoặc không nêu rõ nguồn gốc xuất xứ để xác định mức giá, tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận áp dụng cho giao dịch liên kết;

d) Người nộp thuế có hành vi vi phạm các quy định về xác định giá giao dịch liên kết tại Điều 19 Nghị định này;

đ) Cơ sở dữ liệu sử dụng để ấn định thuế thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13 tháng 6 năm 2019.”

Trong trường hợp bị Cơ quan thuế ấn định, có thể dẫn tới việc doanh nghiệp bị truy thu thuế, giảm lỗ hoặc điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế.

Đồng thời, doanh nghiệp có thể sẽ phải chịu thêm các khoản phạt sau (theo luật quản lý thuế):

  1. Lãi chậm nộp: 0,03%/ ngày chậm nộp (hoặc 0,05%; 0,07%/ ngày chậm nộp, tùy từng giai đoạn);
  2. Kê khai thiếu: 20% số thuế kê khai thiếu;
  3. Gian lận thuế/ trốn thuế: từ một đến ba lần số thuế bị truy thu.

Cùng với các khoản phạt, doanh nghiệp cũng có thể bị ảnh hưởng về uy tín trên thị trường và bị đưa vào danh sách các doanh nghiệp có rủi ro cao về chuyển giá của Cơ quan thuế, dẫn đến các cuộc thanh tra/ kiểm tra thuế định kỳ hơn.

 

Doanh nghiệp nên làm gì khi được thông báo là cơ quan thuế sẽ thực hiện thanh tra về giao dịch liên kết, đánh giá tính tuân thủ và phát hiện các hành vi chuyển giá của doanh nghiệp (nếu có)?

  • Rà soát toàn bộ các tờ khai thuế liên quan, nhanh chóng bổ sung các tờ khai còn thiếu. Việc thiếu các tờ khai hoặc khai sai so với tài liệu sẽ là cơ sở để cơ quan thuế ấn định thuế.
  • Rà soát toàn bộ sổ sách và chứng từ kế toán để bảo đảm chúng được lập và lưu trữ đầy đủ, chính xác và phù hợp với các quy định kế toán. Nếu sổ sách kế toán có nhiều sai phạm trọng yếu thì cũng là cơ sở để cơ quan thuế ấn định thuế.
  • Thu thập toàn bộ các chứng từ, tài liệu, hồ sơ theo như yêu cầu trong Nghị định 20/2017/NĐ-CP và Nghị định 132/2020/NĐ-CP (từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020) để giúp giải trình số liệu và cung cấp cho cơ quan thuế khi được yêu cầu.
  • Doanh nghiệp nên chuẩn bị sẵn các chiến lược giải trình đối với những nội dung quan trọng và phức tạp. Nên trao đổi với công ty mẹ (nếu có) để có được sự trợ giúp tối đa. Ngoài ra, nên tìm hiểu các doanh nghiệp tương tự đã được thanh tra trước đó để có thêm thông tin tham khảo.
  • Nếu doanh nghiệp cảm thấy chưa thực sự tự tin hoàn toàn về những nội dung trên thì nên thuê công ty tư vấn chuyên nghiệp vào thực hiện kiểm tra độc lập để có các khuyến nghị hữu ích. Ngoài ra, đối với các khó khăn của doanh nghiệp khi chuẩn bị các tài liệu liên quan, các công ty tư vấn chuyên nghiệp có thể có sẵn những hiểu biết, kinh nghiệm, và nguồn lực phù hợp để giúp công ty xử lý phù hợp và kịp thời hạn trước khi cơ quan thuế vào. Doanh nghiệp có thể yêu cầu công ty tư vấn hỗ trợ giải trình các câu hỏi và lập luận của cơ quan thuế trong quá trình cơ quan thuế thực hiện thanh tra/kiểm tra tại doanh nghiệp.

Việc chuẩn bị tốt nhất trước khi cơ quan thuế vào kiểm tra sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu các tổn thất không đáng có do những thiếu sót cơ bản liên quan đến tính tuân thủ, và giúp doanh nghiệp tập trung vào những vấn đề thực sự quan trọng và phức tạp để đạt hiệu quả cao nhất khi giải trình và thuyết phục cơ quan thuế.

 

Nếu có tranh chấp với cơ quan thuế về cách hiểu và áp dụng quy định liên quan đến giao dịch liên kết thì doanh nghiệp nên làm như thế nào?

Do việc thanh tra/ kiểm tra thuế liên quan đến giao dịch liên kết có tính chất phức tạp nên nhiều khả năng là các cán bộ thuế sẽ có thể có những lập luận / kết luận không phù hợp với doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không chấp thuận thì cần phải có chiến lược phản hồi phù hợp để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Dưới đây là một số khuyến nghị để doanh nghiệp tham khảo thêm:

  • Đối với những vấn đề mà doanh nghiệp cho rằng cơ quan thuế đang hiểu sai hoặc chưa đầy đủ về hoạt động của doanh nghiệp, thì doanh nghiệp cần cung cấp đầy đủ các tài liệu và giải trình liên quan để giúp cán bộ thuế hiểu đúng và đầy đủ.
  • Đối với những vấn đề mà doanh nghiệp cho rằng cán bộ thuế đang hiểu chưa đúng tinh thần của quy định thuế thì doanh nghiệp nên viết công văn lên cơ quan thuế cấp trên để làm rõ (nếu sau khi giải trình trực tiếp mà vẫn không thuyết phục được).
  • Đối với những vấn đề mà doanh nghiệp cho rằng nó phụ thuộc vào dữ liệu khách quan và không có đủ cơ sở để xác định rõ ràng cho lập luận của bên nào, thì doanh nghiệp nên đàm phán với cơ quan thuế để có giải pháp trung hòa tối ưu giữa hai bên.
  • Nếu doanh nghiệp thấy rằng mình không có đủ nguồn lực để thực hiện các chiến lược trên thì nên thuê công ty tư vấn hỗ trợ. Các công ty tư vấn chuyên nghiệp thường sẽ có những kiến thức, kinh nghiệm, và nguồn lực phù hợp để xử lý tốt hơn những nội dung trên.
  • Biện pháp cuối cùng là doanh nghiệp có thể kiện lên tòa án để được phân xử công khai (nếu vấn đề có ảnh hưởng thực sự trọng yếu đến tài chính và hoạt động của doanh nghiệp).