Sai sót thường gặp liên quan đến thuế GTGT

05/05/2021

Sai sót thường gặp tại Doanh nghiệp liên quan đến thuế GTGT

Các sai sót thường gặp khi kê khai thuế GTGT đầu vào:

1. Khấu trừ thuế GTGT đầu vào của sản phẩm, dịch vụ được giảm giá, chiết khấu thương mại:

DN được giảm giá, chiết khấu thương mại khi bên bán đã đăng ký các khoản này theo đúng quy định của Luật Thương mại, khi đó thuế GTGT đầu vào của sản phẩm, dịch vụ được giảm giá, chiết khấu thương mại bị giảm trừ. Nếu DN được giảm giá, chiết khấu thương mại theo thời điểm (theo ngày) thì DN được giảm thẳng vào đơn giá mua và thuế GTGT đầu vào được khấu trừ tương ứng theo giá mua đó. Ngoài ra, DN được hưởng giảm giá, chiết khấu thương mại theo thời kỳ (theo tháng, quý, năm) thì xảy ra hai trường hợp sau:

  • Nếu giá trị mua bán lần cuối lớn hơn giá trị chiết khấu, giảm giá thì bên bán khi xuất hóa đơn GTGT phải ghi thêm 01 dòng chiết khấu, giảm giá, khi đó bên mua được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT đầu vào theo hóa đơn. 
  • Nếu giá trị mua bán lần cuối nhỏ hơn giá trị chiết khấu, giảm giá thì bên bán viết chiết khấu, giảm giá vào lần tiếp theo, tuyệt đối bên bán không được ghi âm trên hóa đơn.

Trong trường hợp, bên mua không mua nữa, bên bán sẽ xuất hóa đơn GTGT độc lập ghi nhận khoản chiết khấu, giảm giá cho hóa đơn “từ số ... đến số ....” và gửi cho bên mua.

2. Khấu trừ thuế GTGT đầu vào của sản phẩm, dịch vụ bị trả lại.

Sản phẩm, dịch vụ mà bên mua trả lại bên bán thì bên mua cần điều chỉnh giảm thuế GTGT đầu vào, bên bán điều chỉnh thuế GTGT đầu ra. Cả bên mua và bên bán cần chú ý lý do trả lại hàng được chấp nhận được ghi rõ trong hợp đồng như: Hàng kém chất lượng, hàng sai quy cách, chủng loại.

  • Nếu là tổ chức kinh doanh trả lại hàng: Bên mua lập biên bản trả lại hàng, xuất hóa đơn GTGT trả lại hàng cho bên bán, trên hóa đơn ghi rõ: Hóa đơn xuất trả lại hàng do hàng kém chất lượng hoặc hàng sai quy cách, chủng loại (theo Mục 2.8, phụ lục 04 Thông tư số 39/2014/TT-BTC).
  • Nếu là tổ chức không kinh doanh (Sở Tài chính, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội...) trả lại hàng, thì bên mua cần lập biên bản trả lại ghi rõ lý do trả lại hàng như hàng kém chất lượng hoặc sai quy cách..., số lượng hàng trả lại, số tiền tương ứng, tiền thuế..., bên mua trả lại hóa đơn GTGT gốc. Trong trường hợp bên mua chỉ trả lại một phần hàng đã mua thì cũng phải trả lại hóa đơn GTGT gốc rồi bên bán mới xuất hóa đơn GTGT bổ sung.
  • Nếu là cá nhân trả lại hàng: Cá nhân không có hóa đơn, cá nhân cần trả lại bên bán hóa đơn GTGT gốc và biên bản trả lại hàng. Trong trường hợp cá nhân làm mất hóa đơn thì cá nhân phải chịu mức phạt bằng ½ trị giá hóa đơn đó và cá nhân phải tự đi nộp khoản phạt này cho cơ quan thuế.

3. Khấu trừ thuế GTGT đầu vào của sản phẩm bị mất khi kiểm kê, tổn thất do thiên tai, do cá nhân gây ra.

  • Sản phẩm bị mất khi kiểm kê kho: Nếu sản phẩm đó được bồi thường đủ thì DN không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào của số sản phẩm đó mà phải xử lý giảm thuế GTGT đầu vào, giảm chi phí vì sản phẩm đó không còn trong kho, không sử dụng để sản xuất kinh doanh. Nếu kế toán xử lý đối với số sản phẩm bị mất bằng cách xuất hóa đơn bán ra cho số sản phẩm bị mất để DN được khấu trừ thuế GTGT đầu vào thì DN sẽ bị phạt tiếp (phạt hai lần) vì đây là hóa đơn xuất khống. Nếu kế toán xử lý bằng cách bù bằng sản phẩm khác thì cũng không được chấp nhận vì người bán sẽ xuất hóa đơn cho sản phẩm bù đó, nếu đơn vị mua là tên DN thì đây là lần mua mới, trong khi nếu là tên cá nhân thì không có liên quan gì đến DN.
  • Sản phẩm bị tổn thất do thiên tai (lũ lụt, sét đánh...) gây ra: DN vẫn được khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với sản phẩm này (Khoản 1, điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC). Nhưng nếu DN đã mua bảo hiểm và được bồi thường theo giá cả thuế GTGT thì không được khấu trừ, còn DN đã mua bảo hiểm và được bồi thường theo giá chưa thuế GTGT thì được khấu trừ thuế GTGT bình thường. Trường hợp chưa mua bảo hiểm cho số sản phẩm đó thì DN vẫn được khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với phần sản phẩm bị tổn thất xác định được.
  • Sản phẩm bị tổn thất do cá nhân gây ra: Khi đó cá nhân phải chịu trách nhiệm, DN có thể hỗ trợ cho cá nhân một phần. Khoản thuế GTGT đầu vào đối với sản phẩm do cá nhân làm mất thì DN không được khấu trừ.

4. Khấu trừ thuế GTGT đầu vào của sản phẩm, dịch vụ được chiết khấu thanh toán, hỗ trợ mua hàng.

  • Đối với chiết khấu thanh toán: Bên bán không được ghi giảm chiết khấu thanh toán theo giá trước thuế trên hóa đơn GTGT để xuất cho bên mua, nếu không bên mua sẽ không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào trên hóa đơn đó. Nhưng bên bán được phép không ghi giảm chiết khấu thanh toán trên hóa đơn mua hàng mà thanh toán bằng tiền hay bù trừ công nợ theo đúng hợp đồng kinh tế đã ký kết giữa bên mua và bên bán.
  • Đối với hỗ trợ mua hàng: Nếu bên bán hỗ trợ mua hàng bằng tiền thì không liên quan đến khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Nếu bên bán hỗ trợ mua hàng bằng hàng hóa, dịch vụ thì người bán phải xuất hóa đơn GTGT, kê khai thuế GTGT đầu ra nhưng bên mua không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào vì bên mua không phải thanh toán số hàng hóa, dịch vụ đó.

5. Phân bổ để khấu trừ thuế GTGT hàng tháng và cuối năm đối với mặt hàng không chịu thuế GTGT, mặt hàng không kê khai thuế và mặt hàng chịu thuế GTGT.

Khi phân bổ để khấu trừ thuế GTGT hàng tháng và cuối năm đối với mặt hàng không chịu thuế GTGT và mặt hàng chịu thuế, kế toán vận dụng nội dung thuộc khoản 9 điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC để phân bổ thuế GTGT dùng chung cho hai hoạt động, kế toán cần chú ý phần mẫu số của công thức có bổ sung chỉ tiêu “doanh thu không phải kê khai thuế” theo điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC và điều 1 Thông tư số 193/2015/TT-BTC. DN chỉ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với hoạt động sản xuất sản phẩm chịu thuế GTGT. Thuế GTGT đầu vào dùng chung cho mặt hàng không phải kê khai thuế GTGT và mặt hàng chịu thuế GTGT thì được khấu trừ toàn bộ, vì vậy kế toán không cần phân bổ.

6. Khấu trừ thuế GTGT đầu vào của sản phẩm vượt định mức tiêu hao.

Nếu vượt định mức tiêu hao sản phẩm do DN tự xây dựng thì DN vẫn được khấu trừ phần thuế GTGT trong định mức cho phép. Nếu vượt định mức tiêu hao sản phẩm do Nhà nước xây dựng thì DN không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, đồng thời chi phí phát sinh cũng bị loại khỏi chi phí được trừ. Nếu DN không xây dựng định mức tiêu hao sản phẩm thì cơ quan thuế ấn định định mức. Nếu trong định mức thì DN được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, còn ngoài định mức thì DN không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

7. Phân bổ để khấu trừ thuế GTGT đối với trường hợp thanh toán sai năm tài chính và sai hóa đơn tài chính.

Đối với hóa đơn GTGT đầu vào DN phải thanh toán ở năm này nhưng năm sau mới thanh toán và thanh toán sai quy định thì DN không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, không được ghi nhận khoản chi phí tại tháng/năm phát sinh thanh toán sai quy định. Vì vậy, việc phân bổ để khấu trừ thuế GTGT trong trường hợp này là sai.
Đối với hóa đơn GTGT đầu vào đã khấu trừ năm nay nhưng sang năm mới phát hiện là hóa đơn tài chính bị sai thì kế toán cần khai bổ sung giảm thuế GTGT đầu vào cho năm nay.

Nguồn

Các sai sót thường gặp khi kê khai thuế GTGT đầu ra:

1. Xuất hóa đơn không đúng theo quy định

- Không xuất hóa đơn ghi nhận doanh thu thanh toán theo tiến độ đối với các công trình xây dựng cơ bản, kinh doanh bất động sản, cơ sở hạ tầng.

- Không xuất hóa đơn theo khối lượng công việc xây dựng, lắp đặt đã hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao.

- Thời điểm xuất hóa đơn không đúng theo quy định:

+ Đối với bán hàng hóa: là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua. Không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

+ Đối với cung ứng dịch vụ: là ngày hoàn thành việc cung ứng DV. Không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Nếu thu tiền trước hoặc trong khi cung ứng DV thì ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền.

+ Đối với hoạt động cung cấp điện sinh hoạt, nước sinh hoạt, DV viễn thông, dịch vụ truyền hình: Chậm nhất không quá bảy ngày kế tiếp kể từ ngày ghi chỉ số điện, nước tiêu thụ trên đồng hồ hoặc ngày kết thúc kỳ quy ước đối với việc cung cấp DV viễn thông, truyền hình.

+ Đối với xây dựng, lắp đặt: Là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành. Không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Lưu ý: Nếu giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng. Đối với tổ chức kinh doanh BĐS, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, chuyển nhượng có thực hiện thu tiền theo tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ thu tiền ghi trong hợp đồng. Thì ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền.

+ Đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu: Người xuất khẩu tự xác định phù hợp với thỏa thuận giữa người xuất khẩu và người nhập khẩu. Ngày xác định doanh thu xuất khẩu để tính thuế là ngày xác nhận hoàn tất thủ tục hải quan trên tờ khai hải quan.

+ Đối với bán xăng dầu, cung cấp dịch vụ ngân hàng, chứng khoán: ngày lập hóa đơn thực hiện định kỳ theo hợp đồng giữa hai bên (kèm bảng kê hoặc chứng từ khác có xác nhận của hai bên) nhưng chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng phát sinh hoạt động mua bán hàng

+ Đối với việc bán dầu thô, khí thiên nhiên, dầu khí chế biến và một số trường hợp đặc thù: thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính.

– Hóa đơn được lập không đúng quy định.

– Không lập hóa đơn cuối ngày hoặc có lập nhưng ghi giá trị thanh toán thấp hơn giá thực thế thu tiền đối với trường hợp người mua không lấy hóa đơn.

– Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ để ngoài sổ sách. Tức là không nhập hóa đơn chứng từ mua vào để không phải xuất hóa đơn đầu ra.

– Xác định sai thời điểm ghi nhận doanh thu tính thuế GTGT. Ví dụ: Trường hợp bán hàng trả chậm, trả góp chưa thu được tiền hay dịch thu cho thuê trả tiền trước cho nhiều kỳ đã xuất hóa đơn và thu tiền nhưng lại không kê khai tính thuế GTGT.

2. Xác định sai giá trị tính thuế GTGT

Ví dụ: trong trường hợp xuất hóa đơn nhưng xác định không đúng giá đất được giảm trừ trong doanh thu tính thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà để bán….

3. Không kê khai (kê khai sót) doanh thu tính thuế GTGT

– Không kê khai doanh thu từ nhượng bán tài sản.

– Không kê khai tính thuế đối với TSCĐ thanh lý, bán phế liệu, phế phẩm.

– Không kê khai tính thuế GTGT đầu ra hàng cho, biếu tặng, trao đổi.

– Kê khai không đầy đủ hoặc kê khai doanh thu thấp hơn trên hóa đơn.

4. Các sai sót khác

– Đối với các khoản giảm trừ không đảm bảo thủ tục pháp lý theo đúng quy định. Ví dụ. Không đảm bảo thủ tục về chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán.

– Hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo thủ tục xuất khẩu nhưng vẫn kê khai thuế GTGT 0%.

– Xác định và khai sai thuế suất hàng hóa dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

– Đối với Công ty hoạt động kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, thành lập nhiều chi nhánh trên các địa bàn khác nhau nhưng chỉ kê khai, nộp thuế GTGT đối với lĩnh vực kinh doanh chính mà không kê khai doanh thu đối với các hoạt động có khoản thu khác.

Nguồn

Các sai sót thường gặp khi hoàn thuế GTGT:
  • Hồ sơ chứng minh hàng xuất khẩu :

+ Không thuyết minh sự sai biệt giữa hoá đơn và tờ khai Hải quan; giữa hoá đơn và chứng từ thanh toán.
+ Thiếu chứng từ thanh toán hợp pháp đối với hàng xuất khẩu .
+ Không có xác nhận của Hải quan tại ô 47 của tờ khai Hải quan

  • Giấy đề nghị hoàn thuế GTGT không xác định mình thuộc đối tượng cụ thể nào được hoàn thuế GTGT (xuất khẩu hay âm luỹ kế 3 tháng v.v...).
  • Bảng kê khai tổng hợp số phát sinh đề nghị hoàn không khớp với số thuế GTGT đã kê khai hàng tháng (phải điều chỉnh lại số liệu đã kê khai nhầm trước khi lập hồ sơ hoàn thuế GTGT).
  • Phó giám đốc hoặc người được ủy quyền ký tên vào văn thư đề nghị hoàn thuế GTGT không được xem là hợp lệ.
  • Tài khoản đề nghị chuyển số tiền hoàn thuế GTGT không đúng với số hiệu tài khoản và tên ngân hàng đã đăng ký thuế
Tại Crowe Vietnam, chúng tôi cung cấp dịch vụ liên quan đến Thuế được thiết kế riêng theo nhu cầu của doanh nghiệp, hãy tìm hiểu chi tiết