Giới thiệu nội dung mới tại nghị định số 70/2025/nđ-cp sửa đôi, bổ sung một số điều của nghị định số 123/2020/nđ-cp quy định về hóa đơn, chứng từ

10/04/2025

Tải văn bản

CÔNG VĂN SỐ 348/CT-CS NGÀY 28/03/2025 GIỚI THIỆU NỘI DUNG MỚI TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ 70/2025/NĐ-CP SỬA ĐÔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 123/2020/NĐ-CP QUY ĐỊNH VỀ HÓA ĐƠN, CHỨNG TỪ

Ngày 20/3/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định 70/2025/NĐ-CP (“Nghị định 70”) sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2020/NĐ-CP (“Nghị định 123”) ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2025).

Theo đó, Cục Thuế đã ban hành công văn số 348/CT-CS ngày 28/03/2025 triển khai giới thiệu một số nội dung mới tại Nghị định 70, cụ thể như sau:

1. Nghị định 70 sửa đổi, bổ sung Nghị định 123 về hóa đơn, chứng từ một số điểm sau:

Nhóm nội dung liên quan đến người nộp thuế nhằm minh bạch, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, đơn giản hóa thủ tục thực hiện. Một số điểm nổi bật như:

  • Sửa đổi, bổ sung Điều 8, Nghị định 123 quy định về loại hóa đơn: Bổ sung quy định về loại hóa đơn của doanh nghiệp chế xuất: doanh nghiệp chế xuất có hoạt động kinh doanh khác (ngoài hoạt động chế xuất) khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp thì sử dụng hóa đơn bán hàng, khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thì sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng.
  • Sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 9, Nghị định 123: Bổ sung thời điểm lập hóa đơn đối với xuất khẩu hàng hóa (bao gồm cả gia công xuất khẩu) (lập hóa đơn thương mại điện tử hoặc hóa đơn giá trị gia tăng điện tử hoặc hóa đơn bán hàng điện tử): do người bán tự xác định nhưng chậm nhất không quá ngày làm việc tiếp theo kể từ ngày hàng hóa được thông quan theo quy định pháp luật về hải quan.
  • Sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Điều 9, Nghị định 123: Bổ sung đối với dịch vụ cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài như đối với dịch vụ trong nước là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
  • Sửa đổi, bổ sung Điều 10, Nghị định 123: Bổ sung nội dung tên hàng hóa, dịch vụ: đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống thì trên hóa đơn thể hiện  mặt hàng ăn, uống ; trường hợp kinh doanh vận tải thì trên hóa đơn phải thể hiện biển kiểm soát phương tiện vận tải, hành trình (điểm đi-điểm đến); đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải cung cấp dịch vụ vận tải trên nền tảng số, hoạt động thương mại điện tử thì phải thể hiện tên hàng hóa vận chuyển, thông tin tên, địa chỉ, mã số thuế hoặc số định danh người gửi hàng.
    Quy định rõ trong trường hợp thời điểm lập hóa đơn và thời điểm ký số khác nhau thì thời điểm ký số và thời điểm gửi cơ quan thuế cấp mã đối với hóa đơn có mã của cơ quan thuế hoặc thời điểm chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế đối với hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế chậm nhất là ngày làm việc tiếp theo kể từ thời điểm lập hóa đơn (trừ trường hợp gửi dữ liệu theo bảng tổng hợp quy định tại điểm a.1 khoản 3 Điều 22). 
    Người bán khai thuế theo thời điểm lập hóa đơn; thời điểm khai thuế đối với người muathời điểm nhận hóa đơn đảm bảo đúng, đầy đủ về hình thức và nội dung theo quy định.

Đăng ký sử dụng, và ngừng sử dụng hóa đơn điện tử. Một số điểm thay đổi, bổ sung đáng chú ý như sau:

  • Sửa đổi, bổ sung khoản 4, Điều 15, Nghị định 123: Quy định rõ trường hợp thay đổi thông tin người đại diện thì thực hiện theo trình tự như đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử lần đầu;
    trường hợp thay đổi các thông tin sử dụng hóa đơn điện tử khác thì Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế gửi yêu cầu người nộp thuế xác nhận qua địa chỉ thư điện tử hoặc số điện thoại của người đại diện theo thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế (điểm a, điểm b).
    Bổ sung trường hợp công ty mẹ cần khai thác dữ liệu của các chi nhánh, đơn vị phụ thuộc thì thông báo tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp công ty mẹ.

Nhóm nội dung liên quan đến chứng từ. Một số điểm thay đổi đáng chú ý như sau:

  • Sửa đổi bổ sung khoản 1, Điều 32, Nghị định 123: Nghị định 70 quy định cụ thể về nội dung chứng từ thuế thu nhập cá nhân, sửa đổi bổ sung nội dung của biên lai.
  • Sửa đổi, bổ sung Điều 19, Nghị định 123: Bổ sung quy định xử lý chứng từ điện tử đã lập theo nguyên tắc tương tự xử lý hóa đơn điện tử đã lập quy định tại Điều 19 Nghị định 123

Nhóm nội dung liên quan trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào quá trình sử dụng hóa đơn điện tử; Một vài điểm đáng chú ý như:

  • Sửa đổi bổ sung Điều 22, Nghị định 123: Bổ sung việc bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài tại Việt Nam hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số và các dịch vụ khác tại Việt Nam chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử theo Bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử gửi cơ quan thuế chậm nhất là thời hạn gửi tờ khai thuế giá trị gia tăng

Nhóm nội dung về tra cứu, cung cấp, sử dụng thông tin hóa đơn điện tử. Một số điểm nổi bật như:

  • Sửa đổi, bổ sung Điều 49, Nghị định 123quy định về đăng ký mới, bổ sung thông tin đăng ký, thu hồi tài khoản truy cập Cổng thông tin điện tử để khai thác sử dụng thông tin hóa đơn

Một số nội dung khác (Giải thích từ ngữ, trách nhiệm thi hành, …).

2. Bên cạnh đó, Nghị định 70 bãi bỏ tám (8) điểm tại Nghị định 123, bao gồm: 

  • Khoản 10, Điều 3 quy định giải thích từ ngữ “Hủy hóa đơn, chứng từ là làm cho hóa đơn, chứng từ đó không có giá trị sử dụng”
  • Điểm g khoản 4 Điều 9 quy định về thời điểm lập hóa đơn đối với một số trường hợp cụ thể (cơ sở kinh doanh thương mại bán lẻ, …);
  • Khoản 2, Điều 33 quy định về Định dạng chứng từ điện tử khấu trừ thuế thu nhập cá nhân;
  • Điều 37 quy định Quy định về lập và ủy nhiệm lập biên lai;
  • Khoản 2, Điều 50 quy định về việc Tổng cục Thuế thực hiện việc dừng kết nối hệ thống của bên sử dụng thông tin với Cổng thông tin điện tử đối với một số trường hợp cụ thể;
  • Điều 51 quy định về thời hạn cung cấp thông tin hóa đơn điện tử;
  • Khoản 3, khoản 4, Điều 52 quy định trách nhiệm của Tổng Cục Thuế;
  • Khoản 5 Điều 53 quy định về trách nhiệm của bên sử dụng thông tin.