Q&A Quản lý thuế

05/01/2022

Câu 1:  Do tình hình dịch bệnh kéo dài nên năm 2020, 2021 doanh nghiệp chúng tôi làm ăn thua lỗ và phát sinh các khoản nợ trong đó có tiền phạt do chậm nộp thuế. Tôi được biết Ủy ban thường vụ Quốc hội (“UBTVQH”) ban hành Nghị Quyết 406 hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động Covid-19 trong đó có hỗ trợ miễn tiền phạt do chậm nộp thuếVậy quy định chi tiết về điều kiện miễn tiền phạt do chậm nộp thuế là như thế nào?

Trả lời

Căn cứ khoản 4 Điều 1 Nghị Quyết 406/UBTVQH15 của UBTVQH quy định đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020 sẽ được miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

 

Câu 2: Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH13 và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định miễn thuế TNCN phải nộp thêm đối với cá nhân có số thuế phải nộp thêm sau quyết toán của từng năm từ 50.000 đồng trở xuống. Vậy theo hướng dẫn như trên thì những cá nhân ủy quyền cho công ty quyết toán, sau quyết toán có phát sinh thuế TNCN phải nộp từ 50.000đ trở xuống thì có được miễn không?

Trả lời:

Căn cứ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 79 Luật Quản lý thuế số 38/2020/QH14 về việc miễn thuế, giảm thuế và điểm d.3 Khoản 6 Điều 8 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định thì trường hợp cá nhân có uỷ quyền quyết toán thuế cho tổ chức và có số thuế phải nộp thêm sau quyết toán từ 50.000 đồng trở xuống thuộc diện được miễn thuế đối với số thuế phải nộp thêm hằng năm sau quyết toán thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công từ 50.000 đồng trở xuống.

Tổ chức trả thu nhập vẫn kê khai thông tin cá nhân được trả thu nhập đó tại hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân của tổ chức và không tổng hợp số thuế phải nộp thêm của các cá nhân có số thuế phải nộp thêm sau quyết toán từ 50.000 đổng trở xuống.

 

Câu 3: Trong thời gian gia hạn nộp thuế, người nộp thuế có bị phạt và nộp tiền chậm nộp hay không?

Trả lời:

Quy định tại khoản 4 Điều 62 Luật Quản lý thuế 38/2019/QH14 ngày 13/06/2019, Người nộp thuế không bị phạt và không phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền nợ thuế trong thời gian gia hạn nộp thuế.

 

Câu 4: Người nộp thuế bị ấn định thuế có bị xử phạt vi phạm hành chính và tính tiền chậm nộp tiền thuế?

Trả lời:

Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 16 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ:

Điều 16. Thẩm quyền, thủ tục, quyết định ấn định thuế

“...

2. Thủ tục ấn định thuế

c) Trường hợp người nộp thuế bị ấn định thuế theo quy định thì cơ quan thuế xử phạt vi phạm hành chính và tính tiền chậm nộp tiền thuế theo quy định của pháp luật.”

 

Câu 5: Chúng tôi có 2 dự án đầu tư thuộc địa bàn 2 tỉnh khác nhau. Các hoạt động tại chi nhánh và trụ sở chính là tương đồng chỉ khác là tất cả sản phẩm sau chế biến của chi nhánh sẽ được đem về trụ sở chính để bán (xuất khẩu). Chi nhánh không có doanh thu.

Theo Giấy CNĐK doanh nghiệp, chúng tôi có đăng ký 3 ngành nghề nhưng đến nay vẫn chỉ hoạt động có 1 ngành nghề. Hiện tại, chúng tôi đang kê khai thuế tập trung tại trụ sở chính. Chúng tôi đang được hoàn thuế GTGT do trên 90% doanh thu là doanh thu xuất khẩu.

Từ ngày 5/12/2020 khi Nghị định số 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực, chúng tôi sẽ kê khai thuế GTGT, thuế TNDN ở đâu? Tập trung tại trụ sở chính hay dự án đầu tư.

Trả lời:

Căn cứ quy định tại Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ:

Khoản 2, Điều 11:

“2. Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế đối với người nộp thuế có hoạt động, kinh doanh trên nhiều địa bàn cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 45 Luật Quản lý thuế thực hiện hạch toán tập trung tại trụ sở chính (trừ các trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 3, khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều này) tại cơ quan thuế quản lý trụ sở chính. Đồng thời, người nộp thuế phải nộp Bảng phân bổ số thuế phải nộp (nếu có) theo từng địa bàn cấp tỉnh nơi được hưởng nguồn thu ngân sách nhà nước (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) cho cơ quan thuế quản lý trụ sở chính…”

Khoản 3 Điều 43:

“3...Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn các trường hợp thuộc diện kê khai thuế theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 11 Nghị định này đảm bảo thực hiện cho năm đầu tiên của thời kỳ ổn định ngân sách tiếp theo kể từ khi Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực thi hành.”

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp Công ty có Chi nhánh khác tỉnh nơi đóng trụ sở chính, và thực hiện hạch toán tập trung thì Công ty kê khai thuế tại trụ sở chính và nộp Bảng phân bổ số thuế phải nộp (nếu có) theo từng địa bàn cấp tỉnh nơi có Chi nhánh cho cơ quan thuế quản lý trụ sở chính.

Việc kê khai thuế theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP nêu trên sẽ theo các hướng dẫn của Bộ Tài chính và được thực hiện cho năm đầu tiên của thời kỳ ngân sách tiếp theo kể từ khi Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực thi hành.

 

Câu 6: Khi cơ quan thuế kiểm tra quyết toán thuế của doanh nghiệp: nếu doanh nghiệp kê khai sai, doanh nghiệp sẽ bị truy thu và bị phạt.

Trường hợp trong thời gian kiểm tra quyết toán thuế, doanh nghiệp phát hiện số liệu doanh nghiệp kê khai sai dẫn đến thu nhập chịu thuế và thuế TNDN kê khai nhiều hơn thì doanh nghiệp yêu cầu cơ quan thuế điều chỉnh trên biên bản kiểm tra theo con số mà phải kê khai đúng thì có được chấp nhận không?

Nếu trên biên bản kiểm tra quyết toán của Đoàn kiểm tra trước, khi ra biên bản kết luận có sai sót dẫn đến bất lợi cho doanh nghiệp. Đến thời kỳ kiểm tra tiếp theo doanh nghiệp mới phát hiện thì doanh nghiệp có được yêu cầu Đoàn kiểm tra kỳ này điều chỉnh lại các nội dung thiếu sót của biên bản lần trước vào biên bản kiểm tra kỳ này không?

Trả lời:

Tại Khoản 2 và khoản 3 Điều 47 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định về khai bổ sung hồ sơ khai thuế quy định:

“2. Khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã công bố quyết định thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế thì người nộp thuế vẫn được khai bổ sung hồ sơ khai thuế; cơ quan thuế thực hiện xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hành vi quy định tại Điều 142 và Điều 143 của Luật này.

3. Sau khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành kết luận, quyết định xử lý về thuế sau thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế thì việc khai bổ sung hồ sơ khai thuế được quy định như sau:

a) Người nộp thuế được khai bổ sung hồ sơ khai thuế đối với trường hợp làm tăng số tiền thuế phải nộp, giảm số tiền thuế được khấu trừ hoặc giảm số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn và bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hành vi quy định tại Điều 142 và Điều 143 của Luật này;

b) Trường hợp người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế có sai, sót nếu khai bổ sung làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được khấu trừ, tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn thì thực hiện theo quy định về giải quyết khiếu nại về thuế.”

Căn cứ quy định trên, từ Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành, khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã công bố quyết định thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế thì người nộp thuế vẫn được khai bổ sung hồ sơ khai thuế; người nộp thuế bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hành vi quy định tại Điều 142 và Điều 143 của Luật này.

Tại điểm a khoản 2 Điều 112 Luật Quản lý thuế quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của thủ trưởng cơ quan quản lý thuế ra quyết định kiểm tra thuế và công chức quản lý thuế trong việc kiểm tra thuế:

“2. Công chức quản lý thuế khi thực hiện kiểm tra thuế có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Thực hiện đúng nội dung, thời hạn ghi trong quyết định kiểm tra thuế;”

Như vậy, công chức quản lý thuế phải thực hiện đúng nội dung thời hạn ghi trong quyết định kiểm tra thuế (nội dung kiểm tra, thời kỳ kiểm tra).

Trường hợp cơ quan thuế đã ban hành kết luận, quyết định xử lý về thuế sau kiểm tra, thanh tra, người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp còn sai sót thì người nộp thuế được khai bổ sung, điều chỉnh và bị xử lý theo quy định.

 

Câu 7: Chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế được áp dụng như thế nào trong trường hợp sự kiện bất khả kháng?

Trả lời:

Chính sách gia hạn nộp thuế, miễn, giảm thuế đối với người nộp thuế chịu ảnh hưởng bởi các sự kiện bất khả kháng hiện hành được quy định như sau:

  • Người nộp thuế phải nộp tiền chậm nộp theo quy định được miễn tiền chậm nộp trong trường hợp bất khả kháng (Khoản 1, 8 Điều 59 Luật Quản lý thuế).
  • Việc gia hạn nộp thuế được xem xét trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp trường hợp bất khả kháng (điểm a khoản 1 Điều 62 Luật Quản lý thuế).
  • Người nộp thuế bị phạt tiền do vi phạm hành chính về quản lý thuế mà bị thiệt hại trong trường hợp bất khả kháng thì được miễn tiền phạt. Tổng số tiền miễn phạt tối đa không quá giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại (khoản 1 Điều 140 Luật Quản lý thuế).